Việc thoái vốn doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam cũng nhằm tạo ra sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; thế nhưng, chính sách thu hút đầu tư bằng ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thời gian qua đã tạo ra sự bất công đối với doanh nghiệp trong nước. Bởi có không ít doanh nghiệp được ưu đãi lâu dài, hoặc hết thời hạn ưu đãi thì giải thể, thành lập pháp nhân mới để tiếp tục hưởng ưu đãi… Điều đó tạo ra kẽ hở trong việc vận dụng chính sách ưu đãi làm “công cụ” cho lợi ích nhóm?
Trong sạch thủ tục hành chính
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, chính những thủ tục hành chính phức tạp, không rõ ràng là “nước đục” để cán bộ thừa hành trục lợi. Do vậy, để giảm “chi phí” cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển lành mạnh cần cải cách thủ tục hành chính, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp. Còn chính sách thuế, phải trở về đúng nghĩa là công cụ thu đúng, thu đủ, thu công bằng chứ không thể “gánh” quá nhiều nhiệm vụ, mục tiêu, từ thu hút đầu tư đến an sinh xã hội như hiện nay. Đó là chưa kể tiêu chí, tiêu chuẩn ưu đãi thuế như thế nào, cũng là vấn đề cần đánh giá lại để làm rõ hiệu quả ra sao.
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) với sự hỗ trợ của Tổ chức Oxfam, vừa công bố Báo cáo Công bằng thuế Việt Nam 2017, qua đó chỉ rõ cần phải hiện đại hóa hệ thống thuế, hải quan. Báo cáo này cho rằng, công bằng trong huy động và sử dụng nguồn lực từ thuế là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu ở tất cả các quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, số thu thuế đang giảm từ mức 24% GDP (giai đoạn 2006 - 2008) xuống mức 18% GDP (2014 - 2016). Trong khi đó, theo các chuyên gia, để đánh giá “sức khỏe” và triển vọng của nền kinh tế phải dựa trên hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, cụ thể là thuế thu nhập doanh nghiệp thực nộp, chứ không phải số vốn đầu tư lớn mà không thu được gì. Thế nhưng, lâu nay nhà nước chưa đi sâu phân tích, đánh giá hiệu quả, để từ đó có chính sách phù hợp kích thích doanh nghiệp phát triển, mang lại lợi nhuận, mà lại dùng chính sách ưu đãi thuế để thu hút doanh nghiệp, đã tạo ra sự bất công giữa các doanh nghiệp được ưu đãi và không được ưu đãi.
Ưu đãi thuế… làm xấu thị trường
Để tăng nguồn thu ngân sách và tạo công bằng cho các thành phần doanh nghiệp, đòi hỏi cơ quan thuế phải quan tâm đến vấn đề xử lý trốn thuế, tránh thuế. Để làm được điều đó, phải tăng cường quản lý thuế bằng công nghệ. Thời gian qua, Việt Nam dành rất nhiều nguồn lực cho ngành thuế, đặc biệt là đầu tư về hệ thống thông tin. Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan đã có hệ thống thông tin rất hiện đại, vượt xa so với các cơ quan khác và cung cấp các phần mềm để khai thuế, hoàn thuế và đóng thuế qua internet.
Thế nhưng, theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, chính sách thuế chỉ tốt khi được thiết kế và áp dụng với ít ngoại lệ nhất. Nghiên cứu của Oxfam cho thấy, miễn giảm thuế của Việt Nam vẫn rất nhiều, nhất là đối với thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhiều tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam có thể hưởng mức thuế suất 10%, chỉ bằng một nửa so với mức thuế suất phổ thông là 20%.
Việc tránh thuế (chuyển giá) của các tập đoàn đa quốc gia cũng diễn ra khá nhiều và hoạt động kiểm tra, xử lý của ngành chức năng chưa hiệu quả cao. Khoản ngân sách thất thu do ưu đãi thuế cũng chưa được ngành thuế thống kê và báo cáo đầy đủ. Do vậy, các chuyên gia cho rằng cần tách chính sách xã hội, ưu đãi, ra khỏi chính sách thuế.
Cụ thể, cần đánh giá lại việc lồng ghép các chính sách xã hội vào chính sách thuế, để chính sách thuế càng độc lập, càng hữu hiệu. Vì hệ thống thuế của Việt Nam hiện đang gánh nhiều nhiệm vụ, mục tiêu, từ thu hút đầu tư đến an sinh xã hội; nay cần phải đánh giá lại để làm rõ những chính sách ưu đãi giai đoạn trước hiệu quả ra sao. Chuyên gia Nguyễn Văn Phụng (nguyên lãnh đạo ngành thuế) nhận xét, hệ thống thuế Việt Nam hiện đang gánh nhiều hệ luỵ từ các chính sách ưu đãi, điển hình là chính sách trải thảm đỏ thu hút đầu tư. Có những dự án thời kỳ trước đây, còn ghi rõ trong giấy phép đầu tư cả mức thuế suất ưu đãi cho nhà đầu tư chỉ 19% - 20%, trong khi doanh nghiệp trong nước đang chịu mức thuế suất 32% và có dự án ưu đãi đến hết đời…
Do vậy, việc rà soát lại chính sách miễn giảm thuế với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI để có cơ sở đánh giá số thuế bị mất đi do miễn giảm thuế với mục tiêu xã hội, được đặt ra xem có xứng đáng không là rất quan trọng. Từ đó có cơ sở thực hiện tách các chính sách xã hội ra khỏi chính sách thuế.