Đáng chú ý, liên quan đến nội dung về sở hữu di sản văn hóa, so với Luật Di sản văn hóa hiện hành, dự thảo Luật chuyển từ quy định “Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu nhà nước” thành “Nhà nước đại diện chủ sở hữu di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân”. Tuy nhiên, Chính phủ chưa đề cập lý do sửa đổi các hình thức sở hữu di sản văn hóa, chưa xác định thẩm quyền, tiêu chí công nhận loại hình sở hữu.
Do vậy, Ủy ban Xã hội của Quốc hội khi thẩm tra cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình nội dung này; đồng thời quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có). Cùng với đó, rà soát, nghiên cứu quy định để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đây cũng là nội dung mà nhiều ĐB quan tâm khi thảo luận về dự thảo luật. Một số ĐB đề nghị cân nhắc không quy định nội dung trong dự thảo Luật tại khoản 1, điều 4 “Nhà nước đại diện chủ sở hữu di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân; công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu khác bao gồm sở hữu chung, sở hữu riêng về di sản văn hóa theo quy định của Hiến pháp, Luật Di sản văn hóa và pháp luật liên quan về sở hữu”. Việc xác lập sở hữu toàn dân, quyền sở hữu di sản văn hóa nếu là tài sản thuộc sở hữu toàn dân thì thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.
Phát biểu tại thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị rà soát thêm để hoàn thiện dự thảo luật. Theo đồng chí, dự thảo cần quy định cụ thể về thẩm quyền, tiêu chí công nhận quyền sở hữu di sản văn hóa là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia nhằm bảo vệ, phát huy tối đa giá trị; giải quyết các tranh chấp; xác định rõ quyền sở hữu và các quyền liên quan, bảo đảm không có chồng chéo.
Về quy định đối với khu vực bảo vệ di tích, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cũng cần quy định rõ hơn. Cần có quy định phân cấp, phân quyền của chính quyền địa phương trong vấn đề này, nhất là việc cấp phép xây dựng cho người dân trong khu vực này. Mục tiêu là bảo vệ di tích nhưng cũng phải bảo đảm lợi ích của người dân sống trong khu vực.
ĐB Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đề nghị cân nhắc bổ sung thêm quy định có liên quan đến việc quản lý, phát triển, bảo vệ và phát huy giá trị của mô hình công viên địa chất, nhất là những công viên địa chất trong nước đã và đang được UNESCO công nhận hoặc xem xét công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Trong đó đều có liên quan đến Di sản văn hóa phi vật thể, Di sản văn hóa vật thể, Di tích lịch sử - văn hóa, Di sản địa chất, Danh lam thắng cảnh. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Hiện nay, Việt Nam đã có 3 công viên địa chất toàn cầu được UNESCO vinh danh. Đồng thời, đã có một số địa phương đã và đang trong quá trình xây dựng, phát triển công viên địa chất toàn cầu. Tuy nhiên, đến nay chưa có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như chưa cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc triển khai mô hình công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
ĐB Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh), Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị có chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân - chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, để bảo đảm tính công bằng và bảo đảm quyền lợi cho đối tượng thụ hưởng, đại biểu đề nghị quy định rõ 2 nhóm đối tượng và mức hỗ trợ đối với nghệ nhân là người đang hưởng lương và người không có lương.
"Cần có một điều khoản quy định rõ về đối tượng, tiêu chí, nội dung, định mức chi tối thiểu (mức sàn) về chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể. Đây là cơ sở tham chiếu để HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành Nghị quyết về nội dung này", ĐB Hà nêu.
Các ĐB cũng cho rằng, cần quan tâm đến vấn đề bảo vệ di vật, bảo vật quốc gia, không để thất thoát, nhất là bảo vật quốc gia có thể bị thất thoát ra nước ngoài.