Ngà, cô bạn tôi tỏ ra bất ngờ khi nghe tôi than một câu lạ lùng: Tớ cảm thấy… thiếu ăn thế nào ấy! Cô ấy quan tâm hỏi han, cụ thể là sao, nghe nói nhà bạn vẫn có người giúp việc qua phụ dọn dẹp, nấu nướng cơ mà? Bận thì mua bên ngoài cũng rẻ, tiện lắm. Còn không thì bạn thèm ăn gì, tớ đãi, tụi mình ghé quán ngồi với nhau, ngay và luôn nhé!
Tôi lắc đầu, phải một lúc sau mới giải thích đủ ý để bạn hiểu. Rằng nhà tôi không thiếu gạo hay thực phẩm, thậm chí có khi cơm canh nấu ra bị dư, phải mang đổ, rất lãng phí. Chồng tôi thường về trễ, có khi anh đãi khách khứa đâu đó bên ngoài, lưng lửng bụng rồi. Hai đứa con trai tôi đang tuổi thiếu niên, ham bạn bè, thích ăn vặt. Tôi thì làm giờ hành chính, buổi trưa đã có cơm văn phòng, chiều về nhà vắng vẻ cũng lười bày biện.
Công việc hàng ngày cho tôi nhiều cơ hội giao thiệp. Từ đồng nghiệp, đối tác, khách hàng… đều hay hẹn nhau quán xá, tiệc tùng. Tôi vẫn hay dặn bản thân tiết chế ăn uống, kẻo tăng cân, lại khổ. Mỗi khi về đến nhà, tôi thường có thói quen mở chiếc tủ lạnh cỡ lớn của nhà mình, nhìn vào trong đó, ăm ắp bao nhiêu thứ, từ trứng, sữa, phô mai đến các loại bánh, trà sữa, trái cây theo mùa. Mấy quả cam đã héo úa, tô canh súp nổi váng mỡ, nhìn thôi đã ngán. Dĩa gà rán dang dở, hộp bánh gạo chắc sót lại từ cuối tuần vẫn chưa kịp dọn dẹp… Tất cả tạo nên một sự no đủ khó chối cãi. Vậy hà cớ gì tôi lại phải kêu mình “đói ăn” với bạn kia chứ!
Trước đây, gia đình tôi thường ăn cơm nhà vào buổi tối và hai ngày cuối tuần. Khi thì tôi nấu, lúc thì chị giúp việc qua đứng bếp. Các món không mấy gì đặc biệt, nhưng so với những thức ăn hiện đại bây giờ của lũ trẻ con, thì quả là khác hẳn. Có canh, có cá, có món mặn, rau luộc, rau sống, lại thêm dưa cà… này nọ. Ít khi xuất hiện những túi những hộp được đóng gói sẵn, tiện lợi kiểu công nghiệp. Bếp nhà ngày nào cũng đỏ lửa, vì có trẻ con và người già, là ba tôi ngày đó sống cùng…
Tôi kể chi tiết với Ngà như thế, khi bạn ngạc nhiên rằng sao chúng tôi siêng quá, tiết kiệm à, hay đang trong giai đoạn tích cực chi đấy mà lại quầy quả về nhà, ăn bữa cơm “lạ kỳ” đó. Chẳng biết Ngà có hình dung ra cảnh ba tôi hay chờ bữa ở nhà, loanh quanh trông có con cháu về ăn tối… Dù nhiều lúc cũng áp lực lắm chứ, cuộc sống thì bận rộn mỏi mệt, thêm cái gánh nặng tâm lý rằng, có “ông già” không chịu hợp tác, cứ nằng nặc kêu “đợi mọi người về ăn cho vui”, thật khiến mình bị phân tâm, bạn à!
Bởi tôi của ngày đó cũng chưa kịp nhận ra ý nghĩa và giá trị của mấy bữa cơm nhà tương đối đủ mặt người ấy. Tôi chỉ cố gắng thu xếp để thường xuyên có thể ăn tối với ba mình, chồng con mình, trong cái bàn ăn hình tròn kê ngay trong bếp. Tôi nhiều khi nhìn mấy món thanh đạm đơn giản trên bàn, cũng cảm thấy nó ít hấp dẫn, chẳng mang đến hương vị và sự đẹp mắt như ở quán xá hoặc nhà hàng sang trọng…
Rồi thì ba tôi mất, đột ngột chỉ chưa tròn tháng kể từ ngày phát hiện bị ung thư. Lúc chuẩn bị nhập viện để mổ, ba tôi có ngang qua bàn ăn, nhìn thấy tô canh chua cá nấu với bắp chuối bào, đã buông một câu tấm tắc “nhìn ngon quá”. Tôi xót ruột hỏi, con dùng kéo cắt nhỏ ra rồi ba ăn một chút nhé? Nhưng ba tôi từ chối, bảo đợi khỏe rồi ăn, chứ giờ hệ tiêu hóa yếu, mấy sợi hoa chuối này dai lắm… Cái dịp được nếm lại món canh chua cá nấu bắp chuối ấy của ba tôi không bao giờ còn nữa. Đột ngột tới thảng thốt, chúng tôi trở thành những đứa con mồ côi cha, hai con trai tôi mất ông ngoại. Cảm giác bàng hoàng ấy, phải khá lâu sau tôi mới thấm thía đủ mức độ xót xa của nó…
Sau ngày ba tôi rời đi, những bữa cơm nhà dần trở nên thưa thớt rồi vắng hẳn, mặc kệ cố gắng ban đầu của tôi là duy trì nếp sống như cũ. Không còn ba tôi đợi cơm, ngay cả bản thân tôi cũng dần lơ là. Chồng con tôi thì đương nhiên thoải mái hẳn khi không bị dặn dò “nhớ về ăn cơm kẻo ông ngoại chờ”. Để sau một khoảng thời gian ngồi giữa đông đúc hoặc cô độc, đối diện với bàn ăn đầy ắp được mời mọc chiêu đãi, hoặc tô phở, suất cơm bụi, tôi chợt thấy ngán ngẩm. Qua loa cái bánh mì que, gói xôi mặn, hay bỏ bữa luôn vì lười biếng, tôi bỗng có hôm thấy mình thèm và nhớ đồ ăn nhà nấu.
Vì lý do gì, thì chính tôi cũng không rõ. Kiểu như, người ta vốn mang trong mình tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”, cái gì có sẵn bên cạnh, quen thuộc bình dị quá thì ít biết xem trọng. Hoặc khi thường phải ăn cơm nhà thì luôn thèm được đổi bữa bên ngoài, tới lúc cơm hàng cháo chợ thường xuyên lại mong có ai đó chờ đợi bên cái lồng bàn thức ăn đậy điệm cẩn thận. Như thể, còn cha mẹ kề bên, thì chẳng kịp báo hiếu, để rồi day dứt loay hoay thật nhiều.
Cuối cùng, thì tôi cũng chia sẻ được với Ngà, rằng mình ước gì khi trở về nhà có canh cua rau mồng tơi nóng hổi, ăn kèm với cà pháo muối chua trong hũ, hay canh củ sen hầm với đuôi heo ngon lành, hoặc rau dền luộc, bầu luộc chấm trứng, cũng ngon quá chừng. Tự dưng nhắc tới trứng, lại thèm trứng chiên lá mơ, lá hẹ hoặc ngải cứu gì cũng được, ôi cái mùi thơm của nó không thể lẫn vào đâu! Ngà nghe tôi kể lể với ánh nhìn nghi hoặc, xong buông một kết luận chắc nịch: “Mi không phải là thiếu ăn, hoặc nhớ mấy món ăn đó đâu. Cái mi muốn, chính là bữa cơm nhà có chồng con và có ba… Phải không?”.
Tôi im lặng ngồi bên Ngà, nhìn ra ngoài xa kia. Xe cộ tấp nập ngược xuôi. Cuộc sống vẫn tiếp nối, bận rộn, văn minh và nhiều tham vọng. Ai cũng vì hai chữ “tương lai” mà cố gắng, vô tình hoặc chấp nhận bước qua những thói quen cũ, những nếp nhà lạc lõng so với nhịp sống ồn ã bây giờ. Khoảnh khắc ấy, tôi nghĩ về ba tôi, về những ngày ấm êm dưới một mái nhà, vui vẻ quanh bàn ăn đúng chuẩn cơm nhà mà tôi từng vô tâm chưa biết trân quý. Thứ hạnh phúc ấy, mãi khi mất đi rồi tôi mới nhận ra và tiếc nuối.
Chậm rãi, tôi quyết định mở điện thoại, bấm vào nhóm chat gia đình một tin nhắn, rằng tối mai cả nhà mình về đông đủ ăn cơm nhé, mẹ tự nấu đấy. Tần ngần trong lúc chờ mấy biểu tượng “ok” hoặc “ngạc nhiên chưa” xuất hiện, thậm chí là là dấu chấm hỏi kiểu thắc thắc, tôi nghĩ về thực đơn. Sẽ có canh hẹ đậu hũ, món thanh đạm mà chồng tôi ưa thích. Gà chiên nồi không dầu cho hai thằng con trai ham đồ ăn hiện đại. Và tôi nghĩ về dĩa nhộng tằm rang lá chanh mà mình sẽ mang lên bàn thờ, mời ba cùng nếm thử. Vậy thôi, là đủ ấm cúng rồi…