Tình yêu hóa bi kịch
Đã từng một lần đổ vỡ hôn nhân, anh Nguyễn Quang Long (45 tuổi, nhân viên kinh doanh bất động sản, quận Bình Thạnh, TPHCM) và chị Minh Ngọc đến với nhau, hy vọng thêm một lần tìm thấy hạnh phúc. Nhưng đúng là ít con đường nào không gập ghềnh, khi những người đến với nhau còn mang nặng trên vai trách nhiệm làm cha, làm mẹ những đứa trẻ sinh ra từ cuộc hôn nhân trước.
Anh Long tâm sự: “Vợ tôi cũng có con trai riêng. Chúng tôi có một con gái chung nữa. Cô ấy thì không đánh hay hành hạ gì con gái riêng của tôi như kiểu mẹ ghẻ hồi xưa đâu, chỉ có điều là quá nghiêm khắc, hay nói nặng với nó. Đi đâu, làm bất cứ điều gì cũng một điều hai điều phải hỏi qua ý kiến mẹ. Bé năm nay tới tuổi dậy thì, cái tuổi cứng đầu, có nhiều ương bướng, bắt đầu nổi loạn… Những lúc căng thẳng, mấy mẹ con có to tiếng. Hai đứa con riêng không hợp tính hay cãi nhau nữa, tôi rất mệt mỏi khi chứng kiến cô ấy phân xử đúng sai với tụi nó”.
Đã nhiều lần, anh Quang thoáng chạnh lòng khi nhìn Facebook vợ chỉ toàn hình ảnh con trai riêng cùng con gái chung, còn con gái của anh hiếm hoi lắm mới xuất hiện trong những tấm ảnh gia đình. Và chuyện sẽ không có gì đáng nói khi một lần vợ mất tiền, nghi ngờ gặng hỏi con gái riêng của anh khiến con khóc tức tưởi, bỏ về nhà ngoại ở. “Mình ở giữa, điều gì nói cũng nói rồi nhưng vợ thì bảo chồng bênh con riêng. Con thì nói mình không thương nó, chỉ lo cho “người ngoài”. Giờ về nhà không có con, bữa cơm vợ chồng gượng gạo, nhà bớt ấm…”, anh kể.
Chuyện con anh, con tôi không phải hiếm gặp. Câu chuyện bé trai tên M.M. (3 tuổi) bị tử vong do cha dượng và mẹ ruột đánh gây phẫn nộ trong dư luận đầu tháng 4 vừa rồi mới thật đau lòng. Bé M. là con riêng chị Nguyễn Thị L.A. (29 tuổi, trú huyện Đông Anh, Hà Nội). Chị L.A. đến với Nguyễn M.T. (31 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi cả hai đều nghiện ma túy và không dành tình yêu thương cho con trẻ khiến cuộc hôn nhân này trở thành ác mộng. Người gánh chịu bi kịch không ai khác là bé M.
“Bánh đúc cũng có xương mà”
“Chị tốt dữ lắm! Thương con chồng khác gì con ruột. Chuyện ăn uống, học hành của hai đứa con riêng của chồng một tay chị lo. Rồi cả chuyện cưới xin của mấy đứa, chị lo tất tần tật. Ngày vu quy, con gái riêng của chồng năm ngoái, chị bịn rịn rớt nước mắt. Ai nói “mấy đời bánh đúc có xương” chớ tui thấy nhiều người tốt thiệt, đối xử con chung - con riêng rất tình nghĩa. Bánh đúc cũng có xương à nghen!”, chị Nguyễn Thị Bảy (49 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) kể về cô Yến gần nhà, giọng rất khâm phục.
Chị Bảy kể, cô Yến (58 tuổi) từng qua một đời chồng và có con gái 7 tuổi trước khi về với ông Hoàng cũng có 2 đứa con riêng. Đều là những người đã từng tổn thương khi hôn nhân tan vỡ nên không dễ đủ dũng khí cho mình thêm cơ hội kiếm tìm hạnh phúc. Nhìn đâu cũng thấy “cành cong” rồi rụt rè sợ đau thương. Vậy mà duyên phận đưa họ đến với nhau. Làm việc chung suốt rồi tình cảm cứ vậy mà nảy nở. Ông thường hay hỏi bà về cách chăm và dạy con, thỉnh thoảng tới nhà giúp bà thay cái bóng điện, sửa giúp cái xe… Được sự động viên của đồng nghiệp, cuối cùng họ cũng rổ rá cạp lại.
“Chị có kể tui nghe là may mắn về sống chung, vợ chồng tâm đầu ý hợp. Mấy đứa trẻ con cũng nhanh chóng quen thân, coi nhau như anh chị em trong nhà. Con gái chị ngoan ngoãn gọi ông Hoàng là ba và 2 con ông cũng chịu gọi chị một tiếng mẹ. Chị coi con riêng của chồng như con đẻ của mình và ông cũng y vậy. Căn nhà của họ tối tối lại vang tiếng cười đùa”, chị Bảy nói.
Chị Trần Hà Anh (30 tuổi, ngụ quận 9, TPHCM) quyết định đến với anh Minh Thành (32 tuổi) dù biết anh đã có con trai riêng 6 tuổi. Lúc quyết định yêu đương và hướng đến lâu dài với anh Thành, không ít người ái ngại lo lắng cho Hà Anh. “Ảnh từng kết hôn, ly dị, có con riêng. Lúc ngỏ lời yêu, anh nói rõ tất cả những điều này. Tôi phân vân, lo lắng khi nghĩ đến con đường và những thách thức phía trước. Chuyện con riêng, con chung vốn chưa bao giờ dễ dàng. Lấy ảnh sẽ vất vả, tôi biết. Thử thách ở chỗ ba mẹ anh ấy từng nói chỉ thương, lo cho mỗi mình đứa cháu đích tôn đó thôi, còn anh muốn lấy ai, muốn sinh thêm con như thế nào thì tự lo, họ không quan tâm. Tôi chưa từng trải qua hôn nhân, nhưng tôi tin là với tình yêu, mình đủ sức cùng anh xây dựng tổ ấm, lo cho con trai riêng của anh lẫn con chung sau này. Cứ cho đi yêu thương là sẽ nhận lại thương yêu. Tôi tin chắc như vậy”, chị Hà Anh trải lòng chia sẻ.
Đã từng tan vỡ, thất bại trong hôn nhân không có nghĩa là chúng ta không được quyền mưu cầu hạnh phúc nữa. Chuyện “con anh, con tôi và con chúng ta” nằm trong câu chuyện tái hôn, cần nhiều sự đồng cảm, bởi con trẻ cần tình yêu và người lớn cần thấu hiểu. Và bởi vì tình yêu được ghép lại từ những mảnh vỡ không còn tròn trịa nên càng phải vì nhau mà tiếp sức nhiều hơn. Hạnh phúc đời thường là những bữa cơm rộn ràng câu chuyện, giọng ê a của trẻ nhỏ, dù là con anh, con em thì đó vẫn mãi là con chúng ta.