Con anh, con em, con chúng ta

Trong gia đình của các cặp vợ chồng “rổ rá cạp lại” thường có chuyện “con anh, con em”, tình trạng gay go hơn nếu có thêm “con chúng ta”. Phải xử sự thế nào để những đứa trẻ này không là “ngòi nổ” gây xung đột?

Tuổi thơ được nâng niu, chăm sóc, yêu thương sẽ là chất xúc tác mang đến hạnh phúc gia đình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Tuổi thơ được nâng niu, chăm sóc, yêu thương sẽ là chất xúc tác mang đến hạnh phúc gia đình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

1. Do những mâu thuẫn trong gia đình không thể hàn gắn, chị Thủy chia tay với chồng và mang đứa con gái 6 tuổi về sống bên ngoại. Tại đây, chị gặp anh Thắng, góa vợ, có 2 con nhỏ. Anh thường đến nhà Thủy giúp những công việc cần đến bàn tay của đàn ông và tỏ ra quan tâm Hạnh, con của chị. Do thiếu tình cảm của cha, Hạnh cũng quấn quýt Thắng. Mọi người thấy thế ai cũng vun vào, nói hai người góp gạo thổi cơm chung để ổn định cuộc sống.

Chị Thủy cũng cảm mến sự chân thành của anh Thắng và nghĩ mình đã trên 30 rồi, thôi thì cũng nên kiếm một bờ vai để tựa. Chỉ có điều chị còn ngại là 2 đứa con trai của anh, liệu anh có lo lắng cho chúng mà lơ là với con mình không. Nghĩ thế nhưng thấy anh thật sự thương bé Hạnh nên chị cũng yên tâm. Vậy là hai người tổ chức một bữa tiệc nhỏ ra mắt hai bên rồi chị Thủy dọn về ở với anh Thắng.

Ban đầu, mọi chuyện đều suôn sẻ. Gia đình đầy ắp tiếng cười trẻ thơ. Nhưng rồi những xích mích nhỏ xảy ra, 3 đứa trẻ đôi khi gây gổ khiến người lớn phải phân xử. Mỗi khi chị Thủy chăm sóc cậu con trai của chồng thì Hạnh lại tỏ vẻ khó chịu, ngược lại khi anh Thắng nựng nịu con của vợ thì 2 “công tử” của mình giận dỗi, ganh tỵ. Mọi việc trở nên rắc rối hơn, khi chị Thủy sinh được một nàng công chúa nữa. Cả hai rất vui mừng trước đứa con chung nên hầu như lơ là việc chăm sóc những đứa con riêng. Điều này khiến chúng bất mãn và liên kết để chống lại đứa em. Không khí gia đình vì thế luôn ngột ngạt.

2. Hoàn cảnh của chị Khánh hơi khác một chút. Chị góa chồng và một mình nuôi con nhỏ. Còn anh Lý, ly dị vợ, gửi 2 con về bên nội nuôi. Anh chị gặp nhau và quyết định đi đến hôn nhân. Sau khi lấy nhau, anh dọn về sống ở nhà chị cho tiện. Và chứng tỏ là một người đàn ông có trách nhiệm, lương lãnh hàng tháng anh đều đem hết về cho vợ. Thế nhưng chị cũng hiểu anh còn dành dụm để gửi về quê lo cho 2 con riêng.

Thế rồi chị sinh một bé gái. Có thêm thành viên mới, mọi chi phí tăng lên, cuộc sống gia đình chật vật hơn. Cả hai đều phải cật lực làm việc nên không khí trong nhà có vẻ trầm lắng, không được vui vẻ như xưa. Gần đây anh lại gợi ý chị mang con về sống chung vì chúng đã lớn, bên nội lại đang gặp khó khăn. Vốn sợ cảnh con anh, con em, con chúng ta nên chị vin vào gia cảnh còn khó khăn nên chưa đồng ý. Sự chần chừ của chị khiến anh tự ái, cho rằng chị ích kỷ chỉ muốn lo cho con mình mà không để ý gì đến con chồng. Buồn bực, anh sinh ra rượu chè. Tệ hơn, anh bắt đầu tỏ ra lạnh nhạt với đứa con của vợ - đứa trẻ mà trước đây anh hứa sẽ xem nó như con ruột. Ý nghĩ thiệt hơn cũng bắt đầu xuất hiện: Tại sao mình xem con cô ấy là con, còn cô ấy lại không xem con mình như thế?

3. Cũng lâm vào tình trạng con anh, con em, con chúng ta, nhưng gia đình anh chị Dung - anh Lập lại không như thế. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị lập gia đình với người yêu hào hoa phong nhã. Ai cũng nghĩ đây là đôi “tiên đồng, ngọc nữ”, nhưng không ngờ sau khi chị sinh con thì phát hiện anh có quan hệ ngoài luồng. Dứt khoát chia tay, chị ôm con về sống với cha mẹ. Vừa làm việc vừa nuôi con, chị không quan tâm gì đến “ong bướm” lượn quanh, cho đến ngày chị gặp anh Lập. Vợ anh qua đời sau căn bệnh hiểm nghèo, để lại anh một nách 2 con nhỏ. Gia đình bên chị không muốn chị phải lãnh thêm 2 đứa con riêng của chồng, sợ chị cực nhọc. Còn anh, dứt khoát không muốn xa lìa 2 núm ruột của mình. Cả hai đã bàn bạc nghiêm túc rồi quyết định sống chung.

Cưới nhau được 2 năm, họ sinh thêm một đứa con chung. Lúc này, mọi chuyện trở nên phức tạp. Những chuyện tranh cãi giữa con anh, con em, con chúng ta thường xuyên xảy ra. Lại phải phân xử như thế nào cho vẹn đôi đường? Gia đình với 6 người, cần phải phân công ra sao để không mang tiếng là thiên lệch? Hai vợ chồng thường xuyên trao đổi để tìm giải pháp thích hợp. Mỗi người đều dành thời gian để tâm tình với “con mình”, giúp chúng bày tỏ những khúc mắc. Cả hai cũng không tạo cho đứa con chung tâm lý ỷ lại là con ruột mà “lên mặt” với các anh chị khác. Mỗi tuần, anh chị họp mặt cả nhà trò chuyện vui vẻ, làm cầu nối cho những đứa trẻ để chúng cảm thấy thoải mái, xóa dần mặc cảm “người dưng”, nảy sinh tình cảm ruột rà và có trách nhiệm với nhau.

Nhận thấy cha dượng, mẹ kế thương mình thật tình, dần dần chúng cũng đối xử với hai người như cha mẹ ruột.

***

“Rổ rá cạp lại” là việc những người trong cuộc cố gắng đi tìm lại phần hạnh phúc của mình không may bị đổ vỡ. Họ gặp nhiều trở lực trong cuộc sống chung là điều không thể tránh khỏi. Theo các chuyên gia tâm lý, sống thật lòng và yêu thương chân thành, đôi khi cũng phải biết hy sinh những nhu cầu riêng của bản thân, được xem là “liều thuốc” hữu hiệu xóa đi khoảng cách con anh - con tôi. Đừng để chúng là nguyên nhân khiến cả hai, vốn đã gặp trắc trở trong cuộc hôn nhân trước đây, lại bị đổ vỡ một lần nữa.

Tin cùng chuyên mục