Chiều 26-11, đoàn giám sát của Thường trực HĐND TPHCM đã giám sát về việc triển khai, thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 và một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19.
Đồng chủ trì buổi giám sát là hai ông: Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TPHCM; Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TPHCM.
Tham dự buổi giám sát có ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM.
Bốn đơn vị được giám sát là: Sở LĐTB-XH TPHCM, Sở Y tế, Sở Tài chính và Sở TT-TT TPHCM.
Báo cáo với đoàn giám sát, Trưởng Phòng Lao động Tiền lương – Bảo hiểm xã hội, Sở LĐTB-XH TPHCM Nguyễn Bảo Cường cho biết, TPHCM có các đợt hỗ trợ theo Nghị quyết 09, Nghị quyết 12 và Nghị quyết số 97 của HĐND TPHCM.
Trong đó, có hơn 130.000 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; 197 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hơn 1 triệu người lao động tự do (đợt 1 hỗ trợ hơn 387.500 người và đợt 2 hỗ trợ gần 628.000 người); hơn 9.300 hộ kinh doanh và hơn 21.500 tiểu thương đã được hỗ trợ.
Trong hỗ trợ đợt 3, TPHCM đã hỗ trợ cho hơn 6,2 triệu người trong tổng số hơn 7,9 triệu người có hoàn cảnh khó khăn (đạt 78%). Tỷ lệ chi hỗ trợ cao nhất là quận 5 (100%), quận 10 (gần 100%); thấp nhất là huyện Bình Chánh (41%), quận Bình Tân (49%).
Ông Nguyễn Bảo Cường nhận xét, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các gói hỗ trợ liên tục ra đời dẫn đến địa phương gặp rất nhiều khó khăn để xử lý các tình huống phát sinh, trong khi thời gian giải quyết yêu cầu rất nhanh, rất cấp bách. Ngoài ra, lực lượng ở cơ sở mỏng trong khi khối lượng công việc phát sinh cùng lúc quá lớn, lại bị chi phối bởi tình hình dịch bệnh… nên nhiều lúc có thiếu sót, xét duyệt chưa trọn vẹn.
“Khối lượng công việc rất lớn, sai sót là không thể tránh khỏi, vấn đề là nhìn nhận và giải quyết điều đó như thế nào. Đến thời điểm này chưa phát hiện có trục lợi chính sách hỗ trợ”, ông Nguyễn Bảo Cường nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Bảo Cường cũng cho biết đến nay, số người nhận nhầm mà chưa trả lại tiền hỗ trợ (hơn 1.000 người với số tiền khoảng 1,3 tỷ đồng), chiếm tỷ lệ rất ít trong tổng quy mô chi hỗ trợ là hơn 10.000 tỷ đồng.
Tại buổi giám sát, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình nhận xét, trong thời gian ngắn, TPHCM triển khai hỗ trợ quy mô lớn cho người dân và cần huy động nguồn tài chính khoảng 12.000 tỷ đồng là một áp lực rất lớn đối với các sở ngành, các địa phương.
Hiện nay, vẫn còn gần 1,5 triệu người dân chưa được hỗ trợ đợt 3. Ông Cao Thanh Bình đề nghị Sở LĐTB-XH TPHCM tổng hợp kỹ danh sách, báo cáo UBND TPHCM để có chỉ đạo chung. Trong đó, cần phân tích kỹ chưa chi hỗ trợ là vì lý do gì: do qua đời, do đi cách ly, điều trị, do không liên lạc được, trùng danh sách, hay thiếu kinh phí…?
Ông Cao Thanh Bình cũng chỉ rõ, việc thiếu kinh phí trong hỗ trợ đợt 3 ở một số địa phương - như huyện Bình Chánh đang thiếu 472 tỷ đồng – đã dẫn tới chính sách đến người với người dân chưa kịp thời.
Đối với các trường hợp khác - như không liên lạc được, không đủ giấy tờ - ông Cao Thanh Bình đề nghị không nên quá cứng nhắc mà cần linh hoạt chi hỗ trợ cho người dân. “Có thể tổ chi hỗ trợ nên lập biên bản, có cam kết của người dân, có xác nhận rõ ràng rồi chi tiền cho người dân. Bởi, nhiều trường hợp mất giấy tờ nhưng thực sự có hoàn cảnh rất khó khăn”, ông Cao Thanh Bình gợi mở.
Trong việc trả lời phản ánh của người dân, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TPHCM nêu tình trạng có trường hợp phản ánh trên 10 lần về việc hỗ trợ. Qua giám sát cho thấy, lần đầu người dân phản ánh chung chung, tới lần 2, lần 3, người dân phản ánh rất cụ thể hoàn cảnh ra sao nhưng cuối cùng chỉ nhận được tin nhắn phản hồi chung chung.
“Có trường hợp khi chúng tôi điện thoại để xin gặp, nhưng người dân bức xúc nói “thôi, giờ không nghe máy nữa, vì trước đó đã phản ánh nhiều lắm rồi mà không ai nghe, không ai đến, không ai trả lời”. Với các trường hợp đã phản ánh nhiều lần, bận gì thì bận, cán bộ cơ sở ít nhất cũng cầm điện thoại liên lạc lại người dân để người dân biết tình hình”, ông Cao Thanh Bình góp ý và đề nghị đối với các trường hợp phản ánh không đúng thì cũng cần giải thích, trả lời dứt khoát giúp người dân hiểu. |
Dự báo người nghèo sẽ tăng do đại dịch Covid-19 tác động, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TPHCM đề nghị Sở LĐTB-XH TPHCM thống kê đầy đủ, sát tình hình thực tế. Đồng thời, cần tăng kết nối, tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tránh rơi vào bẫy “tín dụng đen”.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu phát biểu tại buổi giám sát Phát biểu tại buổi giám sát, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu đề nghị Sở LĐTB-XH TPHCM rà soát lại một lần nữa các vướng mắc, tồn tại của việc chi hỗ trợ. Những gì mà cơ sở chưa thông suốt thì Sở cần hướng dẫn ngay; cái gì vượt quá thẩm quyền thì sớm kiến nghị UBND TPHCM để có chủ trương chung. Ông Lê Trương Hải Hiếu cũng nhận xét, TPHCM đang xây dựng đô thị thông minh và trải qua đại dịch Covid-19 với nhiều vấn đề phát sinh cần giải quyết. Vì thế, Sở TT-TT TPHCM cần kết nối cơ sở dữ liệu để của thành phố ở các lĩnh vực để phục vụ người dân một cách tiện lợi, nhất là các vấn đề về y tế, về an sinh cho người dân. Đối với Sở Y tế, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TPHCM đề nghị trong bài học về phòng chống dịch Covid-19, bên cạnh các nguyên nhân khách quan, sở cần chỉ ra cụ thể các nguyên nhân chủ quan. Qua đợt dịch cho thấy, đội ngũ y tế cơ sở vừa yếu vừa thiếu, sở cần có giải pháp khắc phục. Đồng thời, các sở cần có kế hoạch để thực hiện việc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM trong giai đoạn mới. |