Hồi đó, chúng tôi sống ở quê. Má tôi giỏi nấu nướng. Những bữa ăn tuy đơn giản nhưng vẫn tinh tươm, đa dạng, có món mặn, canh, thêm rau vườn luộc hoặc xào, bắp chuối trộn gỏi với rau răm, đậu phộng. Đại khái thế. Đương nhiên là không thể thiếu nồi cơm còn nghi ngút khói. Chúng tôi dù bận học hay gì đó, thì vẫn phải nghỉ tay, cùng ngồi vào bàn. Ba tôi đi làm cũng tranh thủ về ăn trưa. Nếu ba tôi về trễ, hoặc ai đó vắng nhà thì sẽ được để dành phần cơm riêng. Không bao giờ có cảnh thức ăn dư cất lại cho người ăn sau. Nhà tôi cũng thường ăn cơm là chính. Những dịp cháo gà, bún riêu, cà ri… này nọ chỉ họa hoằn giỗ quảy hay lễ tết.
Đấy có thể coi là nếp nhà in sâu vào tiềm thức. Tôi kết hôn, làm dâu. Nhà chồng cũng quen ngày ba bữa quây quần. Tôi đi làm cũng thường mang theo mấy hộp cơm canh, thịt cá “của nhà trồng được”. Còn nhớ một lần, quanh bàn ăn của cơ quan, tôi nghe một chị bảo, nhà chị ngày chỉ ăn một bữa, còn lại mạnh ai nấy tự do. Tức là gọi hàng quán xung quanh bưng lại. Ai đói giờ nào chủ động lúc đấy, không cần phải chờ đợi khách sáo gì. Tôi thấy lạ lẫm, lòng thầm lén ý nghĩ: sống gì kỳ vậy trời, còn gì là gia đình nữa cơ chứ!
Nhưng tôi cũng tự nhìn lại chuyện cơm nước nhà mình. Nó khá đơn điệu, và dù cố gắng, tôi cũng không thể giỏi giang chu toàn bằng mẹ, bởi tôi còn phải đi làm cả ngày. Lũ trẻ càng lớn càng hay òn ỉ: Bữa nay nhà mình ăn tiệm được không mẹ? Chồng tôi nhằm bữa chỉ gảy vài đũa lấy có, bảo rằng “No rồi”. Tôi bực mình khi công sức chợ búa, bếp núc, chuẩn bị của mình bị xem nhẹ. Có ai vui nổi khi mâm cơm tự tay nêm nếm bị ế đau ế đớn cơ chứ!
Rồi thì vợ chồng tôi bắt đầu thưa hơn những buổi cơm nhà. Thi thoảng tôi bắt chước đặt món về ăn chung với đồng nghiệp cho hòa đồng. Chồng tôi viện cớ khách khứa không ăn cơm nhà... Tôi vẫn cố gắng duy trì mâm cơm cho ông bà và ai thích thì vẫn có sẵn, không còn quá quan trọng việc phải đủ mặt, hay chờ, gọi nhau cùng ngồi vào bàn.
Điện thoại thông minh và công nghệ bán hàng online lên ngôi, các app đặt hàng, ship hàng đua nở. Cuộc sống dần dà thay đổi, nhiều tiện ích hơn, đồng tiền cũng thư thả hơn, đương nhiên thời gian dành cho công việc cũng gấp gáp, nhiều và bí bách hơn.
Không nên quá nặng nề chuyện “cơm nhà”. Phiên phiến cũng có cái hay và thú vị của nó. Cuộc sống không có gì là bất biến, ngay cả bữa cơm nhà cũng vậy. Người đàn bà thông minh, vị “chủ bếp” thức thời nên biết tận dụng các dịch vụ, tiện ích có sẵn để giải phóng mình và gia đình. |
Ta vẫn có thể sum vầy bên mâm cơm, chung một bàn ăn, hẹn giờ, hẹn buổi cả nhà ăn tối, ăn trưa, hoặc tận hưởng cuối tuần, nhưng không nhất định cần tự tay làm đầu bếp, hay địa điểm phải là bếp ăn nhà mình. Ghé mua con vịt quay bánh bao, hay ít bánh hỏi heo quay là tiện và đơn giản nhất. Gọi người ta mang đến mấy món hoành tráng cầu kỳ hơn, như đùi cừu nướng, gà quay mật ong… này nọ, rồi trái cây, bánh ngon, các thứ trà sữa, trà chiều hoa quả hảo hạng.
Quan trọng là ta kiếm được tiền, ta có thời gian, ta nhận thức được điều gì là quan trọng, là cần thiết, là “đáng”. Khoảnh khắc vui vẻ tận hưởng bữa ăn ngon miệng do nhà hàng giao tới chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều, sung sướng hạnh phúc hơn nhiều so với cảnh bề bộn, mỏi mệt, khó chịu vã mồ hôi khi tự tay vào bếp.
“Nhân sự cấp cao vào bếp” là khái niệm vui vui sau này, nhưng cũng rất đáng suy ngẫm. Rằng có nhất thiết hay không, có cần phải ép mình vào cái chuẩn mực cũ xưa và bất cập đó? Đừng biến “cơm nhà” thành áp lực không đáng! Giữ gìn bếp nhà, giữ gìn bữa ăn gia đình, cũng có rất nhiều cách, xinh xẻo, nhẹ nhàng đáng yêu và ngon lành, bạn nhỉ!