Người dân đồng thuận, tích cực tham gia
Trong nỗ lực thực hiện thực hiện Nghị quyết 52/NQ-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công cuộc chuyển đổi số.
Nhằm tăng cường kênh tương tác trực tuyến trên môi trường số giữa công dân, doanh nghiệp với chính quyền các cấp, cuối tháng 6 vừa qua, TP Hà Nội đã đưa nền tảng “Công dân Thủ đô số” – iHanoi vào hoạt động. Đến nay, sau 2 tháng triển khai vận hành đã có hơn 130.000 cán bộ, công chức, viên chức cài đặt ứng dụng iHanoi; hơn 545.000 người dân tiếp cận và sử dụng ứng dụng iHanoi.
Theo ông Cù Ngọc Trang, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội, trong thời gian qua, hầu hết các quận, huyện, thị xã của thành phố đã nỗ lực triển khai tạo tài khoản iHanoi cho người dân và cán bộ, công chức trên địa bàn, trong đó 5 địa phương đạt số lượng tài khoản người dân cao như: huyện Chương Mỹ có 57.584 người cài đặt, quận Bắc Từ Liêm hơn 32.300 tài khoản, huyện Mỹ Đức trên 31.461 tài khoản…
Để đạt kết quả trên, cũng như tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia của người dân trong việc cài đặt và sử dụng ứng dụng iHanoi, các địa phương đã chủ động tuyên truyền, cung cấp tài liệu hướng dẫn cài đặt trên các hệ thống thông tin cơ sở.
Đặc biệt, phát huy hiệu quả vai trò của Tổ chuyển đổi số cộng đồng, nòng cốt là đội ngũ đoàn viên thanh niên với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân” cài đặt và đăng ký tài khoản trên iHanoi, tập trung vào buổi tối khi người dân ở nhà đông đủ và phối hợp các cơ sở giáo dục triển khai đến tập thể giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh cho phù hợp.
Từng bước tạo sự lan tỏa
Với số người dân sử dụng ứng dụng iHanoi ngày càng tăng, thông qua ứng dụng hữu ích này, 2 tháng qua đã có khoảng 3.300 ý kiến phản ánh của người dân gửi qua iHanoi. Các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân được iHanoi tự động chuyển tới các quận, huyện, thị xã dựa trên kết quả phân tích thông tin về địa điểm phản ánh.
Về tình hình giải quyết các phản ánh kiến nghị trên iHanoi, ông Cù Ngọc Trang cho biết các phản ánh kiến nghị tiếp nhận tại cấp thành phố tăng từ đầu tháng 8-2024, trung bình một ngày, thành phố tiếp nhận, điều phối xử lý khoảng 40 phản ánh chuyển đến sở, ban, ngành liên quan hoặc trả về đúng địa phương tiếp nhận giải quyết.
Trước các kiến nghị, phản ánh của người dân qua iHanoi, trong giai đoạn đầu, việc tiếp nhận, xử lý các kiến nghị này ở một số cơ quan, đơn vị của thành phố còn gặp nhiều vướng mắc, lúng túng do cán bộ, công chức chưa thành thạo khai thác, sử dụng ứng dụng mới. Tuy nhiên, đến nay đã cơ bản đi vào ổn định và qua theo dõi, thống kê cho thấy các cơ quan, địa phương có kết quả xử lý tốt, được người dân đánh giá hài lòng cao, như các quận: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Xuân và Sở GTVT.
Bên cạnh đó, còn có một số địa phương, cơ quan có kết quả xử lý cần phải cải thiện, nâng cao chất lượng gồm các huyện: Đông Anh (13/17 quá hạn); Thanh Oai (7/11 quá hạn); Sở Xây dựng (4/7 quá hạn). Đặc biệt, ý kiến đánh giá phản ánh kiến nghị của người dân về mức độ hài lòng, chấp nhận trên hệ thống đánh giá đạt trên 65,5%.
Đánh giá về những kết quả đạt được trong việc triển khai ứng dụng iHanoi vào đời sống, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nêu rõ, mục tiêu cuối cùng của iHanoi là phục vụ người dân, không chỉ đánh giá qua hình thức hay số lượng, do vậy lưu ý các đơn vị, làm chuyển đổi số tuyệt đối không được đi vào hình thức, mà phải xác định rõ 5 lan tỏa “biết, hiểu, đồng thuận, tự nguyện và lan tỏa”.
Gốc vấn đề là những người tham gia được tuyên truyền, được cảm nhận và trải nghiệm. Từng phản ánh của người dân phải được các cấp chính quyền coi trọng, quan tâm xử lý, từ đó tạo sự lan tỏa, thẩm thấu tới từng người dân.
Trên cơ sở đó, đề nghị các quận, huyện, các sở, ngành, đơn vị của thành phố phải xử lý ngay đối với những nội dung thuộc thẩm quyền. Với những nội dung vượt thẩm quyền phải báo cáo, đề xuất với thành phố, trung ương để được xem xét, giải quyết kịp thời.
“Phải xác định đây là việc làm thường xuyên, khi có những vấn đề bức xúc đặc biệt của người dân phải được xử lý ngay. Hoặc phải có sự thông tin lại việc này liên quan đến hệ thống và đang được giao cho các đơn vị xử lý, để người dân theo dõi và có sự đồng thuận”, ông Hà Minh Hải chỉ rõ.