4 năm sau, ngày 7-9-2018, Thanh tra Bộ Xây dựng có văn bản gửi UBND TP Cần Thơ cho biết, theo Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, chủ đầu tư đã đưa khách sạn Mường Thanh Cần Thơ vào sử dụng khi chưa có văn bản nghiệm thu công trình; chưa có văn bản chấp thuận nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy; chưa báo cáo khắc phục các sai phạm theo yêu cầu của cục. Vì vậy, Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Cần Thơ chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định.
Sau đó, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã có văn bản chỉ đạo xử lý, đến nay vẫn chưa biết kết quả ra sao! Thế nhưng, cùng thời điểm, Tập đoàn Mường Thanh lại ngang nhiên tiếp diễn hàng loạt công trình xây dựng sai phạm tại nhiều tỉnh, thành khác, với mức độ còn nghiêm trọng hơn, nên có lẽ dư luận “tạm quên” sai phạm tập đoàn này ở TP Cần Thơ.
Mà không riêng gì Tập đoàn Mường Thanh, thực tế còn nhiều tập đoàn địa ốc, doanh nghiệp xây dựng khác cũng “coi trời bằng vung”, ngang nhiên xây dựng trái phép, lừa đảo khách hàng, với những chiêu thức như: lập lờ công tư trong giải tỏa đền bù, xin phép phần móng nhưng xây lên tầng; xây vượt quá chiều cao, vượt quá số căn hộ cho phép; chưa hoàn thành thủ tục đã khai trương, hợp thức hóa để khai thác hoặc bán nền, bán căn hộ... Hay như hình thức “phạt cho tồn tại” cũng là kẽ hở cho vi phạm pháp luật len lỏi vào.
Câu hỏi đặt ra là vì sao những sai phạm có hệ thống như vậy lại cứ tồn tại, ngay trước mắt người dân và cả cán bộ địa phương? Ở đô thị, chỉ cần chủ nhà kêu xe đổ cát đá tới sửa chữa chỉ ở nhà là lực lượng chức năng sẽ có mặt kiểm tra, xử lý ngay theo quy định. Trong khi đó, với những sai phạm tày trời của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn địa ốc kéo dài từ năm này qua năm khác thì có vẻ như việc xử lý gặp nhiều khó khăn, phức tạp, nên mới chỉ xử lý được một số nơi. Cụ thể như sai phạm ở tòa nhà 8B Lê Trực (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), việc xử lý sai phạm công trình này giậm chân tại chỗ trong suốt một thời gian dài. Và ngày 18-6 vừa qua, trong cuộc tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã phải tuyên bố một cách mạnh mẽ và quyết liệt: “Để bảo đảm kỷ cương phép nước thì có đập cả tòa nhà này cũng phải làm”.
Trong thực tế, không ít lần chiếc búa của chính quyền ở nhiều địa phương đã giơ cao, rất cao, sẵn sàng đập hết những công trình sai phép, không phép, xây trên đất nông nghiệp, lấn chiếm của người dân. Nhưng rồi, chiếc búa ấy cũng đập được ít nhát, giơ lên rồi lại đập khẽ, như bất lực trước những sai phạm. Chính sự du di này đã không ngăn được sai trái, mà còn khuyến khích người vi phạm sinh thói quen luồn lách và phớt lờ luật pháp, để cho sai phạm lan rộng, thậm chí được công nhận, trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.
Có phải những kẻ coi trời bằng vung đã dùng mọi thủ đoạn để o bế chính quyền địa phương, khiến các cơ quan chức năng ở địa phương bị vô hiệu hóa và chỉ cúc cung phục vụ cho lợi ích của họ? Từ vụ việc khởi tố “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản, dư luận mong mỏi cơ quan chức năng sẽ tìm ra và xử lý sai phạm của các doanh nghiệp địa ốc khác lâu nay ngang nhiên tung hoành, coi trời bằng vung, cũng như xem xét trách nhiệm các cá nhân và tập thể đã dung túng cho các sai phạm, để lập lại trật tự, kỷ cương phép nước trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh địa ốc. Người dân luôn tin vào điều đó, vì đất nước này đang được quản trị bởi hệ thống luật pháp công bằng, nghiêm minh, những sai phạm ấy không thể tồn tại mãi được.