Trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ, gia cầm phải được kiểm dịch bởi các cơ quan thú y và giết mổ tại các cơ sở được cấp phép. Thế nhưng vì lợi nhuận, nhiều người vẫn vận chuyển, buôn bán gia cầm sống và giết mổ tại các chợ tự phát, coi thường sức khỏe cộng đồng.
Tại khu chợ tự phát nằm trên đường Nguyễn Văn Công (phường 3, quận Gò Vấp), có nhiều điểm bán gia cầm sống, mỗi điểm nuôi nhốt đến cả chục con. Một chị bán hàng ở đây chào mời: “Đây là loại gà thả vườn đưa từ miền Tây lên bán, giá chỉ 120.000 đồng/kg, bao công làm sạch luôn, chỉ 10 phút là xong ngay”. Nơi giết mổ gà ngay trên nền xi măng vỉa hè; nước, rác thải, máu tươi và lông gà còn vương vãi khắp nơi, trông rất mất vệ sinh.
Tại khu chợ tạm ở đường Lê Đức Thọ (phường 13 quận Gò Vấp) cũng thấy bán nhiều gia cầm sống. Những chiếc lồng đựng nhiều gà được người bán đặt ngay bên lề đường, hễ có khách hỏi mua thì người bán giết mổ, nhổ lông ngay tại chỗ. Người bán giới thiệu đây là gà vịt mang từ quê lên, nên không phải lo bị dịch cúm. Thực tế các ổ dịch cúm A/H5N6 vừa phát hiện ở huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) lây nhiễm trên vịt thả đồng.
Cách khu chợ tạm nói trên không xa, ngay trên cầu Trường Đai (thuộc địa bàn phường Tân Thới Hiệp, quận 12) cũng có một số hộ bày bán gia cầm. Trong khi xe cộ đang qua lại đông đúc trên cầu, vẫn có vài người dựng xe máy hỏi mua gia cầm. Người bán và người mua cười nói, trả giá huyên náo trong không gian đầy lông vịt rụng bay. Bà chủ sạp gia cầm trấn an khách hàng: “Bây giờ làm gì đã có dịch cúm gia cầm mà sợ!”. Khu chợ Cầu (phường Đông Hưng Thuận, quận 12) cũng tương tự, tại đây có đến hàng chục điểm bán gà, vịt sống, hoạt động buôn bán diễn ra tấp nập từ sáng sớm đến chiều tối. Nhiều tiểu thương cũng thường xuyên đến lấy sỉ gia cầm để đem đi tiêu thụ ở các chợ khác trên địa bàn TPHCM.
Ở đường Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), một đoạn đường bị chiếm dụng thành khu chợ tạm, với cả chục điểm mua bán, giết mổ gia cầm. Tại khu chợ xép nằm gần cư xá Chu Văn An (phường 26, quận Bình Thạnh), giữa khu vực dân cư đông đảo cũng có điểm kinh doanh gà, vịt sống…
Chủ động phòng dịch cúm gia cầm
Hiện nay, việc nuôi nhốt, chăn thả các loại gia cầm vẫn diễn ra ở nhiều khu dân cư, nhà dân trên địa bàn TPHCM. Chị Trịnh Thị Minh Tâm (ở đường Tân Chánh Hiệp, quận 12) phản ánh: “Khi nghe tin dịch cúm A/H5N6 đã xuất hiện ở một số tỉnh thành phía Bắc, gia đình tôi cảnh giác, không mua gia cầm sống ở những nơi không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc chưa được kiểm dịch. Vậy mà trong khu dân cư tôi ở còn có nhiều hộ gia đình nuôi gà, vịt trên ban công, sân nhà. Thức ăn rơi vãi và phân gà không được chủ nhà dọn dẹp thường xuyên, gây ô nhiễm môi trường và thành hiểm họa dịch bệnh”.
Trước thực trạng nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm tràn lan, trong khi một số địa phương đã xuất hiện các ổ dịch cúm A/H5N6, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng tại TPHCM cần tăng cường bám sát địa bàn, tuyên truyền cho người dân không bán, không mua gia cầm không rõ nguồn gốc; xử lý các trường hợp vi phạm. Cần thường xuyên tổ chức tẩy uế, tiêu độc khử trùng môi trường và lấy mẫu giám sát tình hình dịch bệnh tại các điểm kinh doanh sản phẩm gia cầm.
Người dân thành phố nên thay đổi thói quen mua sắm, chỉ mua sản phẩm thịt, trứng gia cầm có nguồn gốc, có kiểm dịch tại nơi bán uy tín, không mua gia cầm sống tại các chợ tự phát. Điều đó không chỉ bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, mà còn góp phần phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm.