Anh Hùng còn nhận ra, tiếng còi tàu giờ kéo dường như lớn hơn, dài hơn một chút so với những ngày xưa. Điều này cũng đúng thôi vì giờ phố phường đông đúc, xe cộ tấp nập, đó là cách để báo đoàn tàu sắp đến, âu cũng vì sự an toàn chung.
Ngày nào cũng vậy, hễ buổi sáng từ nhà bước ra chợ Trần Hữu Trang, anh phải nán lại chút, lúc chụp ảnh, khi quay lại đoạn video ngắn cảnh đoàn tàu chạy qua. Với anh, đó không chỉ là hình ảnh phản chiếu của ký ức từ thời còn được ba mẹ nắm tay đứng trước đường ray xe lửa chờ tàu qua, mà còn là minh chứng sống động của hơi thở, nhựa sống luôn tràn trề mỗi ngày.
Thời điểm cả thành phố phải cách ly vì dịch Covid-19, tiếng còi tàu chỉ còn văng vẳng trong tâm trí. Khi nhịp sống trở lại, ai nói sợ ồn ào của tiếng còi tàu nhưng với anh, thiếu nó, đôi khi anh lại mất ngủ vì nhớ.
Ở thành phố này, không đếm hết có bao nhiêu ngôi nhà hay bao nhiêu người đã có mấy chục năm gắn bó với đường tàu như anh Hùng. Chỉ biết, trong nhịp sống luôn biến đổi mỗi ngày, đường ray, tiếng còi tàu trở thành một phần trong cuộc sống của họ.
Nếu bất chợt đi đường phải dừng lại chờ tàu chạy qua, nghe tiếng còi rít từ xa, rồi đầu máy xình xịch chạy tới, không ít người, nhất là đám nhỏ sẽ vô cùng phấn khích. Chúng sẽ cùng nhau đếm số toa và đôi khi chưng hửng vì chỉ có duy nhất đầu máy kéo. Đôi khi, người đi đường còn mải miết nhìn lên bóng tàu xem các toa có đông khách hay không.
Đoàn tàu chạy giữa hai hàng hoa huỳnh liên nở rộ |
Chuyến tàu Bắc Nam chạy qua lòng thành phố có lẽ đẹp nhất đoạn qua quận Phú Nhuận, đặc biệt khúc đường Lê Văn Sỹ. Đây được ví là cung đường tàu thơ mộng bậc nhất. Hai bên đường tàu là hai hàng huỳnh liên nở vàng rực, mỗi bông tựa như chiếc chuông vàng.
Nhiều người thích gọi loài hoa này với cái tên đó, thơ mộng và dân dã. Và, dường như nó càng thích hợp hơn khi được trồng như bức tường hoa cho đường tàu, vừa đẹp, lại góp phần hạn chế tình trạng xả rác. Nhiều bạn trẻ chờ đến khi hoa nở rộ nhất, chọn làm điểm check-in, sống ảo hút mắt.
Vậy là đường tàu, đường hoa, một bên trải bao nhiêu gió sương, như chứng nhân của thời gian bền bỉ và thầm lặng. Bên còn lại khoe sắc như chào mời, lưu luyến khách đi tàu phải ngoái cổ ra hai bên cửa sổ để chiêm ngưỡng. Có lẽ, chính vì sự kết hợp đặc biệt ấy, những hàng hoa huỳnh liên mỗi ngày được nối dài hơn bên những đường tàu.
Khi thanh chắn được nâng lên, dòng người lại tấp nập qua lại và tiếng còi, đoàn tàu lại tiếp tục hành trình qua những con phố mới, nhà ga mới.