Nhất quán tư tưởng “lấy dân làm gốc”
Đảng Cộng sản Việt Nam sinh ra từ cái nôi nuôi dưỡng đó là nhân dân. Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lịch sử của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thực hiện nhất quán tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Nhìn lại những kết quả đạt được, nếu không có nhân dân thì Đảng có tài tình đến bao nhiêu cũng khó thể tự mình tạo ra những thành quả lớn lao ấy. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhân dân ta luôn một lòng trung thành với Đảng, đi theo con đường của Đảng, ủng hộ, chở che, bao bọc để Đảng hoàn thành sứ mệnh của mình trước nhân dân.
Sinh thời, Lênin từng cảnh báo 2 nguy cơ của Đảng Cộng sản cầm quyền. Đó là sai lầm về đường lối và quan liêu, xa rời nhân dân. Trong rất nhiều văn kiện của Đảng, Đảng ta luôn luôn cảnh báo, nhắc nhở về hiện tượng này và ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Cương lĩnh xây dựng trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam năm 1991, một trong 5 bài học lớn rút ra là “Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân, quan liêu, mệnh lệnh, xa rời nhân dân sẽ đưa đến những tổn thất không lường được đối với vận mệnh của đất nước”.
Đến Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011, Đảng ta một lần nữa cảnh báo nghiêm khắc hơn. Đó là quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân không chỉ đem đến tổn thất khôn lường đối với đất nước mà còn có nguy cơ tồn vong đối với Đảng và chế độ. Đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua hơn 90 năm gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Đất nước không phải không còn những khó khăn thách thức, song nhìn một cách tổng thể, những thành tựu của đất nước là không thể phủ nhận.
Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng tạo sức mạnh lãnh đạo đất nước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Dù vậy, hiện vẫn còn có cán bộ, đảng viên và nhân dân băn khoăn lo lắng về hiện tượng tiêu cực và tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, sách nhiễu dân, trong đó có những vụ việc nghiêm trọng.
Con số gần 70.000 đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật trong nhiệm kỳ XII, trong đó có 2 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 4 Ủy viên Trung ương Đảng, 14 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 2 Thứ trưởng Bộ Công an… cho thấy, lo lắng ấy là có cơ sở. Thực tế, trong rất nhiều văn kiện của Đảng, Đảng ta đã nói nhiều đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng bị giảm sút. Điều ấy có nhiều nguyên nhân khác nhau. Song, dù là gì chăng nữa thì đây cũng là cảnh báo rất khẩn thiết hiện nay.
Nhân dân là trung tâm
Trong tất cả các cơ quan công quyền của nước ta, những người giữ vị trí trọng trách đều là đảng viên của Đảng. Khi đã là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội, Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về toàn bộ mọi mặt đời sống xã hội và chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình.
Hiến pháp 2013 không chỉ hiến định Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân mà còn quy định rất cụ thể về việc Đảng phải chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Quy định ấy nhằm khẳng định các tổ chức đảng và đảng viên của Đảng phải nâng cao trách nhiệm trước nhân dân và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Qua đó, nhân dân được tạo điều kiện tham gia đầy đủ vào các sinh hoạt chính trị của đất nước, góp ý xây dựng các chủ trương, đường lối về phát triển và bảo vệ đất nước, nhất là để dân gần với Đảng, gắn bó với Đảng chặt chẽ hơn.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến toàn thế giới. Trong khi kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4%, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng 2,91%, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Về thành công này, IMF khẳng định: “Thành công của Việt Nam trong phòng chống đại dịch Covid-19 cho thấy minh chứng điển hình về cách một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch, đem đến bài học ý nghĩa đối với các nước đang phát triển khác”.
Để có được thành công ấy là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhưng chắc chắn chính những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân nên được nhân dân đồng tình, ủng hộ, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Về vai trò của dân, tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng, khi đánh giá về thực tiễn công cuộc đổi mới, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, nêu ra một trong nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, là trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cho nên, mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
“Dân là gốc” là chân lý vĩnh hằng. Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, tạo được sự tin tưởng và ủng hộ của nhân dân. Sự thống nhất của “ý Đảng, lòng dân” sẽ là cơ sở vững chắc để Đảng ta tiếp tục có những quyết sách sáng suốt, đúng đắn và hoàn thành nhiệm vụ nặng nề trong nhiệm kỳ khóa XIII, từ đó lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.