Thuận lợi
Thanh sói sau khi bất ngờ đẩy lịch chiếu sớm từ ngày 23-12 cùng cạnh tranh trực tiếp với Đảo độc đắc: Tử mẫu thiên linh cái và hai phim ngoại là Avatar: Dòng chảy của nước và Mèo đi hia: Điều ước cuối cùng. Hiển nhiên, tác phẩm tiền truyện Hai Phượng của đạo diễn Ngô Thanh Vân nhận được chú ý bởi trước đó từng có không ít thông tin râm ran phim nhiều khả năng không được cấp phép ra rạp.
Ban đầu, phim ấn định lịch chiếu từ ngày 22-4 nhưng khoảng 2 tuần trước đó ê-kíp công bố dời lịch chiếu vì “mong muốn mang lại cho khán giả những trải nghiệm tuyệt vời nhất có thể, nên ê-kíp muốn chỉn chu hơn cho phần hình ảnh, nhất là phần kỹ xảo được sử dụng trong Thanh Sói chưa từng được áp dụng tại Việt Nam”. Và cuối cùng, khi ê-kíp công bố ngày khởi chiếu chính thức từ 30-12, sau đó đẩy lên ngày 23-12 tất cả đều thở phào.
Thanh sói ra rạp vẫn giữ được câu chuyện tròn trịa |
Nếu đã theo dõi Thanh sói, sẽ hiểu được phần nào lý do bộ phim gặp những khó khăn ở khâu thẩm định. So với các phim có đề tài liên quan đến thế giới ngầm, xã hội đen đã ra mắt, Thanh sói “nặng đô” hơn hẳn. Suốt chiều dài 109 phút, phim chiêu đãi người xem những phân cảnh hành động liên tiếp đến nghẹt thở. Cuộc chiến giữa các băng đảng xã hội đen để tranh giành địa bàn, trả thù lẫn nhau được mô tả thông qua nhiều phân cảnh cận chiến đẫm máu. Những cảnh máu me, cưỡng bức… ám ảnh người xem.
Ngay cả phần lời thoại cũng vượt khá xa so với giới hạn của những bộ phim cùng thể loại trước đây. Điều này cho thấy ê-kíp sản xuất đã có quyết định khá mạo hiểm khi cố gắng tự bước qua ranh giới với mong muốn tái hiện thế giới ngầm một cách thật nhất.
Thế giới ngầm khốc liệt được khắc họa đậm nét trong phim |
Đúng như chia sẻ của đạo diễn Ngô Thanh Vân, dù đau và tiếc nhiều khi phim bị cắt nhưng bản cuối của bộ phim vẫn khá tròn trịa, đủ để khán giả hiểu đường dây câu chuyện. Rõ ràng, nhìn từ trường hợp của Ròm trước đây hay Thanh sói của hiện tại, nhà làm phim Việt đã được tạo điều kiện để phim có thể đến với công chúng, dẫu khác biệt giữa bản dựng của đạo diễn (director’s cut) hay bản phim ra rạp chỉ người trong cuộc mới hiểu nó khác biệt như thế nào.
Một trường hợp khác là Đảo độc đắc: Tử mẫu thiên linh cái cũng có ít nhiều yếu tố nhạy cảm khi đề cập đến câu chuyện bùa ngải. So với phần phim trước đó là Thất sơn tâm linh, lần này đạo diễn Lê Bình Giang đã cố gắng tiết giảm phần rùng rợn, không tập trung đi sâu vào các nghi thức luyện bùa như phần phim trước đó. Thay vào đó, phim có sự kết hợp với yếu tố hài hước để làm giảm mức độ ghê rợn.
Đảo độc đắc chứa nhiều yếu tố nhạy cảm |
Tuy nhiên, với bản phim được chiếu cho khán giả những chuyện xảy ra trên “hòn đảo ma ám” vẫn có không ít cảnh rùng rợn, máu me với hình ảnh một vùng nước biển bị nhuốm máu đỏ tươi, hang động đầy rẫy xương người, thi thể bị "cướp đầu"…
Điểm yếu chí mạng
Xét một cách công bằng, cả Thanh sói hay Đảo độc đắc: Tử mẫu thiên linh cái đều có những yếu tố về mặt giải trí để thu hút khán giả.
Với Thanh sói, ngay từ khi công bố sản xuất bộ phim đã nhận được sự chú ý bởi câu chuyện của nhân vật này trong Hai Phượng là điểm rất thu hút. Trong phần phim này, xuất thân và hành trình “hắc hóa” của nhân vật được tô đậm chi tiết hơn.
Yếu tố hành động trở thành điểm nổi bật nhất khi bộ phim liên tiếp chiêu đãi người xem các phân cảnh đánh đấm diễn ra trong nhiều không gian khác nhau: từ quán bar, vũ trường, nhà hàng, đường phố, cho đến các khu ổ chuột… Khâu thiết kế bối cảnh cũng là điểm sáng cho thấy sự kỳ công của ê-kíp trong việc tái hiện lại bối cảnh Sài Gòn mấy mươi năm về trước.
Hành động và diễn xuất là điểm cộng của Thanh sói |
Diễn xuất cũng là điểm đáng chú ý của bộ phim. Ngoài vai trò “cầm trịch” của Ngô Thanh Vân được giữ kín đến phút cuối và vẫn chứng minh được thế mạnh về diễn xuất hành động, dàn diễn viên trẻ trong phim đồng đều. Bộ ba nữ chính Tóc Tiên, Đồng Ánh Quỳnh và Rima Thanh Vy đã bước ra khỏi ranh giới an toàn của bản thân khi nỗ lực rất lớn cho các cảnh hành động. Ở tuyến của nam, Thuận Nguyễn, Song Luân, Thanh Hiền… cũng tạo nên thế đối trọng.
Trong khi đó, so với các phim kinh dị, Đảo độc đắc có ý tưởng cũng được xem là khá mới lạ khi đưa bối cảnh câu chuyện ra một hòn đảo. Do đó, không khí quỷ dị bản thân nó đã tạo nên sự tò mò. Chủ đích kết hợp giữa yếu tố kinh dị và hài cũng nhằm mục đích cân đối sự hài hòa, nhằm thu hút khán giả.
Truyện phim cũng gửi gắm thông điệp mỗi con người, dù ở hoàn cảnh địa vị xã hội nào cũng có những bí mật, góc khuất riêng. Đó mới chính là “con quỷ” đáng sợ nhất dù nó có được bộc lộ ra ngoài và theo cách nào. Rõ ràng, hành trình trong phim nếu các phân cảnh hù dọa chưa đủ đô với khán giả bởi mô-típ cũ kỹ song chính lòng người hiểm ác mới là điều đáng sợ nhất. Diễn xuất của diễn viên cũng chỉ dừng ở mức sạch sẽ.
Tuy nhiên, điểm đáng tiếc ở Đảo độc đắc, bối cảnh đã không được khai thác triệt để như một nhân vật quan trọng của phim. Bộ phim cũng đầy rẫy những chi tiết vô lý, ngay từ điểm khởi đầu khi khán giả không hiểu nhóm bạn trẻ có điểm chung nào để quyết định đi du lịch cùng nhau. Trong hành trình ấy, sự phát triển về mặt tâm lý, tính cách của họ cũng dàn trải, đều đều và không khiến khán giả thuyết phục với những hành động đã diễn ra.
Có lẽ, cũng vì điểm yếu ở khâu kịch bản nên đời sống của các diễn viên phát triển theo cách tự phát. Bản thân mỗi nhân vật đều có câu chuyện riêng, số phận khác nhau nhưng do chưa được đào sâu khiến mọi thứ đều trôi qua một cách dễ quên. Do đó, những gương mặt trẻ triển vọng như: Sam, Trần Nghĩa, Trần Phong, Phương Lan, Minh Dự hay lần đầu chạm ngõ của hoa hậu Tiểu Vy đều… nhạt.
Nhiều yếu tố vô lý khiến bộ phim không thuyết phục khán giả |
Sự vô lý còn nằm ở chỗ những tưởng là bạn thân nhưng họ lại thản nhiên nhìn nhau đấu đá, đẩy nhau đến bờ vực sinh tử hay dửng dưng nhìn cái xác bạn thân nằm ở đó… Mâu thuẫn và những cao trào không những không được đẩy lên cao, trái lại còn ức chế người xem. So với phần phim trước đó, không khí quỷ dị không tạo được sự sợ hãi khi các chiêu thức đã nhàm chán, ngay từ khâu tạo hình.
Có lẽ, điểm yếu về câu chuyện cũng là lý do Thanh sói không tạo nên sức bật phòng vé và thuyết phục hoàn toàn khán giả. Bộ phim mang màu sắc khá u ám. Nếu Hai Phượng mang ý nghĩa nhân văn về thông điệp tình mẫu tử, nạn buôn bán trẻ em thì hành trình hắc hóa của nhân vật chính trong phim đơn thuần chỉ dừng lại ở những cuộc chiến thế giới ngầm. Do đó, nội dung trong phim khá dễ đoán, không có nhiều nút thắt cao trào, bất ngờ. Phim vẫn đi vào lối mòn chung của các phim về xã hội đen khi chỉ xoay quanh đánh đấm, tranh giành địa bàn…
Hạn chế về kịch bản cũng khiến đời sống của các tuyến nhân vật chưa thật sự sống động. Bối cảnh, tính cách và sự phát triển tâm lý cũng chưa hoàn toàn thuyết phục. Một số trường đoạn, nhân vật bị lướt qua quá nhanh, thiếu sự nhấn nhá để làm dày thêm cuộc chiến giữa các băng đảng hay số phận nhân vật.
Thống kê từ Box Office Vietnam, trong 3 ngày khởi chiếu đầu tiên (từ 23-12 đến 25-12), Đảo độc đắc thu về 5,094 tỷ đồng với 2,3 nghìn suất chiếu và đứng thứ 2 doanh thu phòng vé. Trong khi đó, Thanh sói có doanh thu thấp hơn một chút với 5,057 tỷ đồng nhưng có số lượng suất chiếu cao hơn, gần 3.000 suất. Tuy nhiên, cả hai phim Việt đều lép vế hoàn toàn so với Avatar: Dòng chảy của nước vẫn thu về đến hơn 51 tỷ đồng dù đã khởi chiếu đến tuần thứ hai. Hiện phim đã có tổng doanh thu đạt gần 170 tỷ đồng sau khi khởi chiếu từ ngày 15-12.