Coi chừng nợ gối đầu

Mấy ngày qua, nhiều tiểu thương ở chợ Tân Bình (quận Tân Bình, TPHCM) mất ăn, mất ngủ, bỏ cả công việc kinh doanh để đi đòi nợ. Được biết, các tiểu thương nêu trên đều bỏ mối hàng cho bà Đ.T.M.H. (32 tuổi, ở đường Nguyễn Văn Mai, phường 4, quận Tân Bình). Công an địa phương đã ghi nhận vụ việc, số tiền các tiểu thương bị bà H. chiếm đoạt ước tính khoảng 30 tỷ đồng. Đây là số tiền các tiểu thương bán gối đầu cho bà H.

Mấy ngày qua, nhiều tiểu thương ở chợ Tân Bình (quận Tân Bình, TPHCM) mất ăn, mất ngủ, bỏ cả công việc kinh doanh để đi đòi nợ. Được biết, các tiểu thương nêu trên đều bỏ mối hàng cho bà Đ.T.M.H. (32 tuổi, ở đường Nguyễn Văn Mai, phường 4, quận Tân Bình). Công an địa phương đã ghi nhận vụ việc, số tiền các tiểu thương bị bà H. chiếm đoạt ước tính khoảng 30 tỷ đồng. Đây là số tiền các tiểu thương bán gối đầu cho bà H.

Việc bán gối đầu (giao hàng trước, nhận tiền đợt giao hàng sau) là một phương thức kinh doanh đã được nhiều tiểu thương sử dụng trong quan hệ bán hàng hóa cho những mối mua hàng thường xuyên, số lượng lớn, tồn tại trên cơ sở uy tín. Trong nhiều vụ vỡ nợ gối đầu, lẽ ra khi nhận hàng đợt sau thì bên mua phải thanh toán cho bên bán từ 70% - 100% số tiền mua hàng đợt trước, nhưng nhiều tiểu thương cả tin (do thấy bên mua có nhà cửa, xe cộ) đã cho nợ gối đầu luôn đợt sau. Khi hàng hóa bị dội chợ (cung vượt cầu), xuống giá, mối mua hàng không tiêu thụ hàng được, phát sinh nợ chồng chất, kéo dài.

Việc giao dịch bằng tín chấp cũng thường sinh ra nợ dắt dây. Cách đây không lâu, giao dịch ngành in ấn cũng bị tình trạng này. Chủ nhà in cho khách hàng nợ tiền gia công, đóng xén, thành phẩm; trong khi mình lại là con nợ của người bán giấy, bán mực… Khi sách bán không được, chủ nhà sách (thường là tư nhân) hay đầu nậu sách không có tiền thanh toán cho chủ nhà in; rồi chủ nhà in cũng không có kinh phí thanh toán tiền giấy, mực… Thế là những người có liên quan phải ùn ùn bỏ công, bỏ việc đi tìm nhau để đòi nợ. Thậm chí thuê mướn băng nhóm đòi nợ thuê, xiết nhà, xiết tài sản hay đánh nhau gây mất an ninh trật tự.

Thực tế, việc giao dịch kinh doanh bằng hình thức gối đầu vẫn tồn tại và khó dứt bỏ. Ông Lâm Vinh, tiểu thương chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết: “Mua bán bây giờ không thể không gối đầu. Tôi bỏ mối rau, củ, quả cho các chợ, siêu thị và phải chấp nhận gối đầu cả tuần. Trong khi thanh toán tiền mua nông sản với chủ nhà vườn phải là tiền mặt”.

Thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, nguy cơ ế ẩm không bán được hàng, kẹt vốn rất dễ xảy ra. Để tránh sự cố đáng tiếc, các tiểu thương nên thỏa thuận chặt chẽ thời gian trả tiền cũng như số tiền phải thanh toán. Nếu đến hạn mà bên mua không thanh toán thì dứt khoát chấm dứt hợp đồng, dù chỉ là “hợp đồng miệng”. Phải kiên quyết như vậy mới tránh dây dưa nợ xấu kéo dài.

HOÀNG PHƯƠNG (quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục