Trước cổng Bến xe miền Đông (TPHCM) tầm 3 - 6 giờ sáng, có rất nhiều người mặc trang phục grabbike. Hỏi một người đang dựng xe máy chờ khách trước cổng bến xe, giá cước đi từ Bến xe miền Đông về đường Phan Văn Trị (phường 10, quận Gò Vấp), anh ta liền móc điện thoại nhập địa chỉ và đưa cho xem báo giá là 70.000 đồng. Khi nghe thắc mắc số tiền quá cao (vì đặt một chuyến xe với lộ trình như vậy trên hệ thống Grab thì giá chỉ 30.000 đồng), anh ta liền phân trần: “Đang giờ cao điểm mà em, nếu em không thích thì đặt xe khác đi!”.
Ở đây, khi hỏi bất kỳ tài xế nào, họ vẫn dùng cách check địa điểm kèm giá tính tiền bằng chế độ Grab Premium (grabvip) nhằm qua mặt khách hàng, nâng giá tiền lên nhiều lần so với thực tế.
Grab Premium là xe ôm cao cấp, tài xế phải ở độ tuổi từ 18 - 45, ngoại hình dễ nhìn, trang phục gọn gàng, sạch sẽ, chạy xe SH, Piaggio, Dylan…, nên giá tính cước cao hơn. Trong khi thực tế tài xế ở đây chạy bằng xe máy thường. Do đón khách không thông qua hệ thống của Grab nên những người này không phải chịu chiết khấu.
Hiện nay, việc quản lý đồng phục của grabbike có nhiều kẽ hở. Chỉ cần tài xế chạy 10 - 15 cuốc là được cấp 3 áo và 1 nón chính, vì thế số lượng đồng phục tuồn ra ngoài rất nhiều. Một số tài xế đăng ký chạy nhưng rồi bị khóa tài khoản, hoặc chuyển qua làm nghề khác nên đã bán đồng phục trên các diễn đàn hoặc hội, nhóm của Grab. Chỉ cần gõ từ khóa “mua đồng phục Grab” trên Google sẽ xuất hiện hàng trăm kết quả. Đây là cơ hội cho những người muốn giả danh tài xế grabbike, dễ dàng mua nón, áo đồng phục Grab với giá rất rẻ.
Chiêu trò của những grabbike giả danh này đã diễn ra từ rất lâu, thường lập thành từng nhóm đón khách ở các bến xe, sân bay…, không có sự quản lý chặt chẽ của các đơn vị có liên quan. Trong câu chuyện này, người thiệt hại chính là khách hàng, họ thường bị “chặt chém” với cước phí cao từ 1,5 - 2 lần. Những tài xế giả danh không nằm trong sự quản lý của hãng, tất nhiên nếu xảy ra sự cố, các hãng sẽ không chịu trách nhiệm.