Theo báo cáo hằng năm "The Greenhouse Gas Bulletin" của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), cơ quan thời tiết Liên hiệp quốc, nồng độ CO2 trung bình trên toàn cầu đã tăng đến 403,3 phần triệu (ppm) trong năm 2016, tăng từ 400 ppm của năm 2015, do sự kết hợp các hoạt động của con người và hiện tượng El Nino mạnh.
Năm qua, lượng khí thải giảm nhưng nồng độ CO2 vẫn gia tăng vì hiện tượng El Nino đã làm tăng hạn hán và làm suy yếu khả năng của thực vật hấp thụ CO2. Khi trái đất ấm lên, El Ninos càng xảy ra thường xuyên hơn.
Mức tăng CO2 3,3 ppm của năm 2016 cao hơn đáng kể so với mức tăng 2,3 ppm trong năm trước đó và so với mức tăng trung bình hằng năm 2,08 ppm trong thập niên qua. Mức tăng này cũng cao hơn nhiều so với mức tăng 2,7 ppm trong năm gần nhất có hiện tượng El Nino mạnh trước đó là năm 1998.
Nghiên cứu của WMO sử dụng các tàu biển, máy bay và trạm trên đất liền để theo dõi các xu hướng phát thải từ năm 1750, cho thấy CO2 trong khí quyển đang tăng nhanh gấp 100 lần so với cuối kỳ băng hà cuối cùng do tăng dân số, phá rừng và công nghiệp hóa.
Lần gần nhất trái đất có nồng độ CO2 tương tự là trong kỳ Pliocene (từ 3 đến 5 triệu năm trước), khi mực nước biển cao hơn 20 m so với hiện nay.
Tổng Giám đốc WMO Petteri Taalas cho biết, nếu không cắt giảm nhanh khí CO2 và các khí thải nhà kính khác, chúng ta sẽ phải đối mặt sự gia tăng nhiệt độ nguy hiểm vào cuối thế kỷ này, cao hơn nhiều so với mục tiêu chỉ tăng 1,5 đến 2 độ C của Hiệp định Khí hậu Paris.
Các nhà khoa học ngày càng lo ngại về khả năng hấp thụ CO2 trong tự nhiên đang suy yếu. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, nhiều vùng rừng bị khai thác và suy thoái nhanh đến mức chúng đang thải ra CO2 nhiều hơn hấp thụ.
WMO dự báo năm 2017 sẽ phá kỷ lục về nồng độ CO2 và methane (CH4), nhưng tốc độ gia tăng không nhanh vì năm nay không có hiệu ứng El Nino.