Cờ Vua có nguồn gốc từ Ấn Độ?

Cờ Vua, trước kia còn gọi là “cờ quốc tế”, là môn thể thao trí tuệ. Trên một cái bàn hình vuông, gọi là bàn cờ, gồm 8 hàng (đánh số từ 1 đến 8) và 8 cột (đánh dấu bằng chữ từ a đến h), tạo thành 64 ô hình vuông được chia thành những ô đậm, nhạt xen kẽ nhau.

Mỗi người bắt đầu chơi ván cờ với 16 quân cờ của mình gồm 1 tướng, 1 hậu, 2 tượng, 2 xe, 2 pháo, 2 mã, 8 tốt, xếp thành hai hàng dưới cùng bàn cờ. Đấu thủ cầm quân trắng đi trước và lần lượt đi các quân khi đối phương đã đi xong một nước cờ. Thời gian chơi quy định thông thường là 1 giờ, theo luật FIDE là 2 giờ, còn cờ vua đánh nhanh (rapid) là 10 phút.

Cờ Vua không phải là trò chơi may rủi mà phải dựa vào chiến thuật, chiến lược, cách bày binh bố trận và những nước đi khôn ngoan, đầy trí tuệ. Cờ Vua phức tạp đến mức không ai có thể tính hết mọi phương án, dù bàn cờ chỉ có 64 ô, với 32 quân cờ cho cả hai bên nhưng số lượng nước đi có thể vượt cả số lượng nguyên tử có trong vũ trụ.

Nhiều nước cho rằng cờ Vua là phát minh của nước họ nhưng một số người tin rằng nó có nguồn gốc từ Ấn Độ, gọi là Chaturanga, vào thế kỷ thứ 6. Một số khác cho rằng cờ Vua là một biến thể từ cờ Tướng (hay còn gọi là cờ Trung Quốc) vào thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Sau đó, người Ấn Độ biến nó thành cờ Vua, du nhập sang Iran (trước gọi là Ba Tư) gọi là chatrang. Chữ chiếu bí mà tiếng Anh gọi là checkmate là dịch từ cụm từ shah mat trong tiếng Ba Tư, có nghĩa là “Vua hết đường”, hay “bí đường”. Cờ Vua phát triển về phía Đông tới Nhật Bản, rồi về phía Tây sang châu Âu.

LÊ MINH

Tin cùng chuyên mục