Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Trần Văn Tùng cho biết, sẽ sớm có những điều chỉnh về các nội dung và cách thức thực hiện, để hệ sinh thái KNST quốc gia phát triển bền vững và đi vào thực chất.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, sau 3 năm triển khai với nhiều hoạt động cụ thể và thiết thực, Đề án 844 dần tạo lập được nền tảng bền vững và đang từng bước phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, đến nay Đề án 844 đã hỗ trợ được hơn 40 đơn vị triển khai hoạt động hỗ trợ KNST trên cả nước. So với năm 2016, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp có sự gia tăng về số lượng, nhất là các không gian làm việc tăng hơn 50%.
Hiện có khoảng 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh KNST đang hoạt động trên cả nước và gần 40 quỹ đầu tư có hoạt động tại Việt Nam. Lượng vốn đầu tư liên tục tăng từ năm 2016 tới nay, đặc biệt năm 2018 đã thu hút tới 890 triệu USD, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2017. Thời gian tới đây Đề án 844 sẽ tập trung hỗ trợ các chương trình thúc đẩy kinh doanh trong một số lĩnh vực công nghệ chuyên sâu, phát triển mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp trong nước, quốc tế và mở rộng thị trường, kết nối vốn đầu tư cho doanh nghiệp (DN) KNST.
Theo các chuyên gia, dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng nhìn chung hệ sinh thái KNST Việt Nam vẫn còn những vướng mắc cơ bản của một hệ sinh thái mới hình thành. Nhiều cơ chế chính sách về khởi nghiệp cũng như KNST hiện chưa rõ ràng, khó triển khai trên thực tế.
Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam, cho rằng vẫn còn khoảng cách về cơ chế của Việt Nam hiện nay với các nước có hệ sinh thái KNST phát triển.
Bà Vân đề xuất, thông qua Đề án 844, đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động kết nối mạng lưới nhà đầu tư để có thể đưa nhà đầu tư nước ngoài về làm việc trực tiếp tại Việt Nam. Một khi đã thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài về Việt Nam thì sẽ thu hút các nhà đầu tư Việt Nam tham gia đầu tư cho KNST trong nước.
Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh
Tại Diễn đàn Quỹ đầu tư KNST Việt Nam 2019 vừa diễn ra ở Hà Nội, về vấn đề nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài quan tâm đến Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng đó là kết quả của sự ổn định, hòa bình, tốc độ tăng trưởng cao liên tục của đất nước; là tinh thần không ngừng đổi mới, sáng tạo để tạo ra cơ hội mới cho tất cả mọi người cùng sản xuất, kinh doanh, phát huy giá trị của mình.
Từ các startup đến những DN, nhà đầu tư đều tìm thấy ở Việt Nam cơ hội kinh doanh, cơ hội hoàn thiện bản thân, cống hiến, lập nghiệp và đem lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng, dân tộc, rộng hơn là cả thế giới.
Để duy trì được những lợi thế này, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trước hết phải tiếp tục cải thiện thật tốt môi trường kinh doanh giữa các địa phương với nhau và giữa Việt Nam với các nước. Tiếp đó, cần những bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Bởi tương lai của nền kinh tế, cộng đồng DN, đặc biệt là các startup KNST chủ yếu dựa trên ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.
Cùng với đó, phải tiếp tục chú ý tốt hơn đến giáo dục, KH-CN (vốn là một trong những điểm thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm, startup công nghệ) bằng những điều kiện đảm bảo rất cụ thể, nhất là các chính sách về kinh tế. “Chúng ta muốn phát triển KH-CN thì phải đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia, lấy DN làm trung tâm, khuyến khích DN đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu, phát triển, đào tạo. Muốn DN làm như vậy thì phải có các chính sách kinh tế thiết thực như thuế, tín dụng, đất đai, thâm nhập thị trường”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Ban Điều hành Đề án 844 cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để tham mưu, đề xuất Chính phủ chỉ đạo việc thực hiện các giải pháp về cơ chế chính sách, hành lang pháp lý nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và quốc tế cho KNST, như các cơ chế thử nghiệm chính sách, ưu đãi thuế, mô hình gọi vốn cộng đồng, cơ chế mua sắm công...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nhu cầu cuộc sống, công việc chính là những cơ hội, là “mảnh đất” để các startup dấn thân. Cộng đồng startup ở Việt Nam tăng cường kết nối với nhau dưới sự hỗ trợ của Chính phủ. Bên cạnh đó, các startup rất cần sự hợp tác, “nâng đỡ” của những DN đã thành công. “Toàn xã hội, trong đó có vai trò của truyền thông, hãy cổ vũ cho sự sáng tạo, tạo cơ hội cho những ý tưởng mới khác lạ, nhiều lúc khác biệt, thậm chí “điên rồ” được khẳng định. Chúng ta cần cổ vũ cho những tấm gương thành công và cả những người thất bại nhưng đã đứng lên truyền cảm hứng sáng tạo đến cộng đồng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh. |