Ngày 19-5, nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Đường sách TPHCM đã diễn ra buổi giao lưu của hai tác giả Dương Thành Truyền và Tiến sĩ Nghiêm Kỳ Hồng. Đây là hai tác giả đã có những đầu sách công phu và độc đáo về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tác phẩm Di chúc của Bác Hồ - một giáo trình tiếng Việt độc đáo (NXB Trẻ) của tác giả Dương Thành Truyền, còn Bác Hồ với công việc văn phòng (NXB Tổng hợp) của Tiến sĩ Nghiêm Kỳ Hồng. Hai tác phẩm này đã được ra mắt từ trước; tuy nhiên, nhờ sự công phu và cách khai thác độc đáo xung quanh câu chuyện về con người và tác phong làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên đến nay vẫn còn sức hấp dẫn với bạn đọc.
Đặc biệt, mới đây cả hai tác phẩm vừa được vinh danh tại Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, diễn ra tối 13-5 tại Hà Nội.
Tác giả Dương Thành Truyền (giữa) và Tiến sĩ Nghiên Kỳ Hồng cùng MC Xuân Huy tại chương trình giao lưu. Di chúc của Bác Hồ - một giáo trình tiếng Việt độc đáo in lần đầu tháng 6-2017, nhân dịp kỷ niệm 106 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Tuy nhiên, trên thực tế, công trình ngôn ngữ học viết từ thời còn sinh viên của tác giả Dương Thành Truyền nghiên cứu về phong cách ngôn ngữ của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến nay, cuốn sách đã in đến lần thứ 4.
Theo tác giả Dương Thành Truyền, với Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một tấm gương bậc thầy điêu luyện về tiếng Việt, không chỉ học được về thái độ lao động ngôn từ, tài dụng ngữ của Bác Hồ mà chúng ta còn nhận diện được phong cách Hồ Chí Minh.
Tác phẩm "Di chúc của Bác Hồ: một giáo trình tiếng Việt độc đáo" của tác giả Dương Thành Truyền do NXB Trẻ ấn hành. “Trong Di chúc của Bác, tất cả các bản mà tôi biết dù đánh máy hay viết tay, từ đầu dòng hay giữa dòng thì có một sự thú vị là chữ “Tổ quốc” bao giờ cũng được Bác viết hoa. Đây là một điều thực sự xuất sắc, bởi với Bác Tổ quốc là trên hết. Tổ quốc ở đây là Tổ quốc của chúng ta. Càng tìm hiểu Di chúc của Bác, chúng ta lại càng thêm yêu tiếng Việt, càng quý trọng tiếng Việt”, tác giả Dương Thành Truyền nói thêm.
Trong khi đó, cuốn sách Bác Hồ với công việc văn phòng được Tiến sĩ Nghiêm Kỳ Hồng hoàn thành vào dịp kỷ niệm 50 năm cả nước ta thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác (1969 - 2019), cũng là ký ức nhẹ nhàng của riêng tác giả nhân dịp 50 năm tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội để gia nhập đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy trong lĩnh vực quản trị văn phòng - văn thư - lưu trữ.
Cụm từ “Công việc văn phòng” được trình bày trong sách bao gồm những công việc thường diễn ra trong văn phòng các cơ quan như: Lập và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác; Tổ chức các cuộc hội họp; Đảm bảo điều kiện làm việc; Soạn thảo văn bản, thư từ; Tổ chức công tác lưu trữ hồ sơ, tài liệu…
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Nghiêm Kỳ Hồng, thông qua những công việc Bác làm hàng ngày hoặc những bài nói, bài viết của Bác trong các cuộc họp, buổi làm việc, cuộc gặp mặt có liên quan ít nhiều đến công việc văn phòng, từ đó chúng ta có thể rút ra những điều cần học tập về phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt và hiểu rõ hơn về sự quan tâm cùng những chỉ dẫn quý báu của Bác đối với công việc văn phòng trong các cơ quan, tổ chức.
Chia sẻ về quá trình thực hiện cuốn sách, Tiến sĩ Nghiêm Kỳ Hồng cho biết: “Khó nhất với tôi khi viết cuốn sách Bác Hồ với công việc văn phòng là làm thế nào để cuốn sách của mình cũng thể hiện được phẩm chất của Bác, thể hiện được phong cách của Bác. Và hơn ai hết, chính mình cũng phải học Bác từ công việc viết sách này. Tôi cho rằng có vô số bài học mà tôi cũng như mọi người có thể học được từ Bác”.
HỒ SƠN