Ngày 1-12, tôi đến Ga Sài Gòn để hỏi đặt mua vé tàu về quê ở miền Trung trong dịp Tết Canh Tý. Một người đàn ông hành nghề chạy xe ôm đứng phía trong cổng nhà ga, chặn đầu xe mời chào: “Em vô mua vé tàu tết à? Hết rồi em ơi, qua đây anh bán cho”. Thấy tôi còn lưỡng lự, người này liền trấn an: “Không tin em cứ vào trong quầy hỏi mua vé đi, nếu hết rồi thì ra gặp anh”.
Tại quán nước đối diện cổng Ga Sài Gòn, một người đàn ông khác cũng lân la chào hỏi. Khi nghe tôi nói muốn đặt vé tàu ngày 28 Tết về TP Vinh (tỉnh Nghệ An), người này liền nói: “Trong nhà ga hết vé rồi, giờ chỉ còn tụi anh có thôi, nếu em đồng ý thì ghi số chứng minh ra đây, anh vào lấy vé, 15 phút sau là có ngay. Em trả tiền vé cho nhân viên nhà ga, còn anh chỉ lấy tiền công 250.000 đồng/vé thôi”. Thấy tôi có vẻ không tin tưởng, người này cho biết: “Vé này là hoàn toàn thật, mua xong toàn bộ mã code sẽ được gửi về điện thoại của em, nên cứ yên tâm”.
Thực tế, nạn cò vé tại các bến xe, nhà ga là chuyện không mới, hầu như năm nào cũng có, nhưng đến nay vẫn chưa được ngăn chặn, xử lý triệt để. Nhiều người dân vì sợ không có vé về quê dịp tết, nhẹ dạ cả tin nên phải bỏ thêm tiền cho cò vé. Cận tết còn có tình trạng nhiều hành khách mua rất nhiều vé xe tuyến từ TPHCM về các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Tây để đầu cơ tích trữ, đợi cận ngày nhà xe hết vé sẽ rao bán trên mạng xã hội với giá cao hơn nhiều so với giá niêm yết để thu lợi bất chính.
Để tránh bị lừa gạt mua nhầm vé giả và bị mất thêm tiền từ cò mồi, người dân nên đến các điểm bán vé, trang web chính thức của nhà ga, nhà xe để đặt mua. Không nên mua vé bên ngoài thông qua cò mồi, chợ đen, hoặc các đại lý bán vé trá hình. Như vậy cũng góp phần đáng kể trong việc dẹp nạn cò mua bán vé tàu xe dịp tết.