Mua bao nhiêu cũng có
Chỉ cần bước đến cổng ga Sài Gòn, rất nhiều “cò” là những người lái xe ôm đến người bán quán nước bên đường rất “nhiệt tình” chào mời mua vé “chợ đen”.
Trong vai hành khách cần vé đi Quảng Ngãi, chúng tôi đứng “lớ ngớ” tại quầy bán vé của ga Sài Gòn thì một phụ nữ độ tuổi trung niên bước đến khều khều, rồi đưa ra lời đề nghị bán lại vé đúng ngày, đúng tên nhưng giá chênh lệch hơn 300.000 đồng/vé so với giá niêm yết. Khi chúng tôi đồng ý, người phụ nữ này xin họ và tên, số chứng minh nhân dân rồi… bấm máy điện thoại.
Hơn 15 phút sau, người phụ nữ này mang ra một tờ giấy, được xem là vé điện tử, có in thông tin đúng với họ tên và số chứng minh nhân dân, hành trình của chúng tôi đưa ra. Thế nhưng, khi chúng tôi đề nghị nhập mã code của vé với hệ thống để kiểm tra thông tin mới trả tiền, người này giải thích, thông tin vé của người khác nhưng cầm tờ vé điện tử này sẽ lên được tàu.
“Nhân viên kiểm soát vé đường sắt chỉ dùng máy quét mã code, xác nhận đúng chỗ nhưng không kiểm tra thông tin tên và số chứng minh nhân dân”, người phụ nữ bán vé “bật mí”.
Ra trước cổng ga Sài Gòn chúng tôi được một người phụ nữ khác xông vào chèo kéo: “Vé không em? Đưa chứng minh nhân dân đây chị lấy luôn”.
Theo quan sát của chúng tôi, cò vé tập trung chào khách ở ngay khu vực bán vé, quán ăn bên hông nhà ga, nơi gửi xe và các hàng quán khu vực nhà ga. Biết tôi có ý định vào ga mua vé đi Đà Nẵng ngày 1-2 (27 tháng Chạp), người phụ nữ này tiến đến nói thẳng: “Vé tết ra 3 đợt là ở đây hốt hết rồi, bởi vậy em ngồi đây từ giờ tới tối cũng không có vé đâu. Em đi Đà Nẵng đúng không? Lấy mấy vé, chị có hết. Chị chỉ lấy tiền dịch vụ mỗi vé 300 ngàn đồng, còn tiền vé em vào quầy thanh toán”.
Trao đổi mới biết người phụ nữ tên My. Thấy tôi chưa hiểu lắm, “cò” My giải thích: “Ở đây chị lấy phí “cò” thôi, em đưa chứng minh nhân dân cho chị, nếu em không mang theo chứng minh chỉ cần cho chị họ tên, ngày - tháng - năm sinh rồi chị đưa mã code cho em, em vào quầy trả tiền rồi lấy vé. Vé là vé thật, em đừng lo”. Tôi thắc mắc: “Nhưng mà trong quầy báo hết vé rồi mà chị”. Chị này nhanh nhảu: “Chị lấy em 300 ngàn, chị cũng móc nối ở trong 200 ngàn, chị dư được 100 ngàn thôi”. “Cò” My khoe mỗi ngày bán được 20-30 vé tàu.
Thấy tôi còn do dự, “cò” My dắt chúng tôi đến quán nước trước bãi gửi xe của nhà ga. Tại đây, cả “cò” vé và khách tập trung giao dịch vô cùng nhộn nhịp. Trước mặt, người phụ nữ khác nhận được cuộc gọi của ai đó, nhanh nhẹn sai người dẫn khách hôm qua đã giao dịch vào lấy vé. Vài phút sau, có thêm 3 - 4 người đến hỏi mua vé về Quảng Ngãi. Trong lúc các “cò” khác bận tiếp khách, “cò” My nói: “Em thấy “cò” ở đây nhiều không? Em nhìn đi, đâu chỉ có mình chị đâu. Trong đây “cò” vé còn nhiều hơn cả khách nữa”.
Thấy tôi nhất quyết phải có vé giường nằm, “cò” My bày cách: “Tới ngày đó em lên đây chị lấy vé nằm cho em, đúng giường, đúng toa. Tiền bạc em trả trực tiếp trên tàu, em trả trực tiếp cho anh trưởng toa - trưởng tàu trên ga đó. Còn không em về tới Đà Nẵng em trả cũng được. Ở đây chị nói làm được chị mới ăn tiền, không được sao chị ăn tiền được. Dịch vụ đó em muốn đi tàu nào cũng có, mà em phải lên trước 2 tiếng. Ví dụ như tàu chạy 9 giờ thì em phải tới lúc 7 giờ”.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc vận tải đường sắt chi nhánh Sài Gòn, khẳng định không có tình trạng “cò” vé quan hệ với nhân viên hay “cò” lấy vé từ nhân viên trong nhà ga. Tuy nhiên, hành khách nên đề phòng các trường hợp mạo danh cán bộ, trên tàu để lừa bán vé.
Ông Văn cho biết thêm: “Trong quá trình bán vé của “cò” vé “chợ đen” thì đến giờ chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào khách đến khiếu nại hay thắc mắc gì về việc mua phải vé giả. Vì thực sự các đối tượng này chúng tôi đã điều tra, xem xét thực tế và thấy rằng hệ thống bán vé rất rõ ràng, tình trạng vé như thế nào thể hiện ra như vậy.”
Hiện tại, để chống tiêu cực, đầu cơ vé tàu tết, ngành đường sắt áp dụng mức khấu trừ trả vé, đổi vé là 30%.
Về phía FPT (đơn vị cung cấp dịch vụ CNTT hoàn chỉnh, từ hệ thống phần mềm quản lý bán vé điện tử đến hạ tầng CNTT) khẳng định: Giải pháp bảo mật của FPT không ai có thể thay đổi chính sách bán vé. FPT còn xây dựng thêm tính năng chống robot trên website. Theo đó, hành khách mua vé sẽ phải thực hiện thêm một số thao tác xác thực, tính năng này sẽ hạn chế việc sử dụng robot để đặt giữ chỗ ảo với số lượng lớn.
“Về lý thuyết, cò và phe vé có thể mua vé qua mạng không qua hệ thống website: dsvn.vn (bằng CMND ảo hoặc CMND của người khác) nhưng chúng tôi khẳng định vé đó khi bán lại cho hành khách thì không thể sửa tên hành khách trên hệ thống của FPT, hoặc họ làm các thẻ đi tàu giả với tên của khách. Còn việc vì sao hành khách có thể đi được tàu từ vé “chợ đen” thì đây không phải tránh nhiệm của đơn vị làm hệ thống phần mềm bán vé”, đại diện FPT nói thêm.
Trong dự án phối hợp giữa ĐSVN và FPT trước đây còn có việc kiểm soát vé lên tàu bằng máy POS đọc mã vạch, nhưng thực tế hiện nay không thấy triển khai thực hiện. Đây cũng là kẽ hở trong việc kiểm soát vé gian lận. Ngành đường sắt cần tăng cường sử dụng máy POS đọc mã vạch khi kiểm tra vé, còn nhân viên soát vé đối chiếu CMND khi đăng ký mua vé của hành khánh, như vậy sẽ góp phần đáng kể trong việc minh bạch mua - bán vé tàu, nhất là dịp lễ tết.
Theo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, để tránh việc mua nhầm vé giả, vé không hợp lệ, hành khách nên mua vé tại các nhà ga, các điểm bán vé, các đại lý, các website chính thức thuộc ngành đường sắt quản lý. Không mua vé bên ngoài qua “cò mồi, chợ đen” hoặc các đại lý bán vé trá hình.
Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cảnh báo, trường hợp phát hiện hành khách đi tàu có giấy tờ tùy thân không phù hợp với thông tin trên thẻ lên tàu, ngành đường sắt sẽ từ chối vận chuyển. Ngành đường sắt sẽ tổ chức kiểm soát thẻ lên tàu và giấy tờ tùy thân của hành khách tại cửa vào ga và cửa toa tàu. Một mã code vé chỉ được hợp lệ qua cửa soát vé một lần. Hơn nữa, trước khi lên tàu, nhân viên trên tàu tiếp tục soát vé bằng máy kiểm soát vé hiển thị đầy đủ thông tin hành khách khi quét mã.
Hiện trên nhiều trang mạng xã hội và các website cá nhân đang rao bán giá vé xe chất lượng cao gấp đôi so với giá gốc của các hãng xe. Theo đại diện Công ty Phương Trang Bus Lines, để hạn chế đầu cơ, hãng quy định mỗi hành khách chỉ có thể mua tối đa 4 vé/người (gồm 2 vé lượt đi và 2 vé lượt về). Tuy nhiên, những ngày gần đây, có tình trạng nhiều hành khách mua rất nhiều vé để đầu cơ, tích trữ rồi rao bán trên mạng xã hội giá cao hơn nhiều so với giá Công ty Phương Trang Bus Lines đã đăng ký với cơ quan chức năng nhằm thu lợi bất chính. Đại diện nhà xe này cho biết sẽ phối hợp với các ngành chức năng xử lý triệt để những hành vi đầu cơ, tích trữ vé, bán giá cao hưởng chênh lệch. Nếu phát hiện sẽ thu hồi, hủy những vé đã mua bán trên mạng sai quy định về giá vé của đơn vị. |