Cổ vật triều Nguyễn trên không gian số

Những cổ vật triều Nguyễn được định danh, trưng bày trên không gian số đã giúp mọi người chiêm ngưỡng trọn vẹn độ sắc nét của vật phẩm ở mọi góc độ, trải nghiệm câu chuyện lịch sử hấp dẫn trong không gian lịch sử văn hóa chân thực.

Sống dậy những hiện vật cổ

Tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, 10 cổ vật đầu tiên gắn chip NFC (chuẩn kết nối không dây tầm ngắn) và được định danh bằng công nghệ Nomion của Phygital Labs. Đây là các loại cổ vật tiêu biểu, phản ánh những nét đặc trưng về đời sống vật chất, lễ nghi, chính trị, tư tưởng vua quan triều Nguyễn như: ngai, kiệu, hia (đồ ngự dụng dùng trong sinh hoạt và lễ nghi), cành vàng lá ngọc (dùng để trang trí nội thất), hay bộ xăm hường (một trò chơi khá phổ biến thời Nhà Nguyễn)…

Nếu trước đây, du khách chỉ có thể chiêm ngưỡng cổ vật qua lồng kính, thì nay với một chiếc điện thoại thông minh có NFC, chỉ cần đưa điện thoại chạm vào khu vực chỉ định, các thông tin như nguồn gốc, vai trò lịch sử, ý nghĩa văn hóa, các chi tiết cụ thể… của cổ vật sẽ hiện lên đầy đủ.

Cô Hoàng Thị Gái, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Trạch (Quảng Bình), đưa hơn 60 học sinh đến thăm quan Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Cô cho biết, thay vì chỉ đọc, hay nghe người hướng dẫn giới thiệu thông tin như trước, thì nay cả cô lẫn trò đều rất hào hứng, thích thú khi cùng khám phá những thông tin, kiến thức lịch sử về triều Nguyễn thông qua thiết bị tương tác.

“Chỉ với một thao tác trên điện thoại thông minh, tôi và học sinh gần như được chạm vào những hiện vật quý hiếm. Đó là “cành vàng lá ngọc”, “ngai hoàng đế triều Nguyễn”… với những thông tin, chi tiết chạm khắc dù nhỏ nhất cũng thể hiện rõ nét, mà trước đây khi đến với bảo tàng chỉ được ngắm nhìn qua tủ kính”, cô Hoàng Thị Gái chia sẻ.

Không những thế, học sinh còn thể hiện sự hào hứng khi có thể tương tác trực tiếp với các thông tin đầy thú vị. Như với bộ cổ vật xăm hường, ngoài các giới thiệu về lịch sử hình thành, chất liệu…, các em còn có thể xem cả hướng dẫn cách chơi và chơi thử trên điện thoại thông minh.

w6a.jpg
Du khách sử dụng smartphone tương tác với chip NFC gắn trên cổ vật trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Một số du khách nước ngoài cũng rất thích thú với sự xuất hiện của công nghệ này, dù không mấy xa lạ. Ông John Carver, một du khách Mỹ, cho biết, đây là công nghệ khá quen thuộc ở các bảo tàng lớn trên thế giới, nó giúp khách tham quan có thêm thông tin về các hiện vật mà nhiều khi người thuyết minh không thể nói hết. “Như với cổ vật “cành vàng lá ngọc”, qua các thông tin được truy cập, tôi mới biết thêm từng chi tiết như màu của nụ, cánh hoa, chậu hoa… đều mang những ý nghĩa cụ thể, phân định rõ ràng đẳng cấp”.

Công nghệ chắp cánh cho bảo tồn và phát huy di sản

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế nói riêng và cả quần thể di tích Cố đô Huế nói chung, do đặc thù dựa vào không gian kiến trúc cổ nên đã phần nào gây ra hạn chế việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại trong trưng bày, triển lãm.

Chính vì vậy, việc triển khai các công cụ số hóa được xem là một biện pháp hỗ trợ hiệu quả để phát huy các giá trị cổ vật trưng bày. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là một trong những bảo tàng đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình “Không gian triển lãm metaverse”, hỗ trợ cả các thiết bị thực tế ảo như kính thực tế ảo của Apple (Apple Vision Pro) và của Meta.

Chỉ cần truy cập vào địa chỉ https://museehue.vn, du khách lập tức nhập vai một nhân vật ảo, có thể di chuyển theo ý muốn đến gần các cổ vật, tìm hiểu thông tin và quan sát hiện vật gần giống như đang có mặt thực tế tại bảo tàng. Đây cũng được xem như là mô hình đón đầu làn sóng công nghệ thực tế mở rộng được tiên phong bởi Apple và Meta.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết, việc triển khai số hóa bảo tàng, từ gắn chip NFC đến “Không gian triển lãm metaverse” được các chuyên gia của Phygital Labs phối hợp cùng Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thực hiện. Không chỉ mở rộng hình thức thưởng thức, các công nghệ được lựa chọn còn phải đảm bảo khả năng mã hóa dữ liệu cao, bảo mật tốt và chống làm giả. Đặc biệt, công nghệ blockchain cũng được áp dụng để tạo ra phiên bản số của cổ vật, mang giá trị chứng thực sở hữu và tạo tài sản số từ tài sản thật.

“Việc xây dựng không gian triển lãm metaverse sẽ giúp quảng bá mạnh mẽ văn hóa Việt Nam ra toàn cầu, khai thác tiềm năng kinh tế số từ di sản. Đồng thời cũng giúp người dân hiểu thêm về các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, thêm yêu quý và cùng chung tay hỗ trợ bảo tồn các di sản văn hóa của đất nước. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục biên soạn nội dung và số hóa thêm khoảng 100 cổ vật triều Nguyễn, hướng đến bảo tàng số theo từng chuyên đề, giúp du khách toàn cầu có thể ngắm nhìn và tìm hiểu thông tin với trải nghiệm sống động”, ông Hoàng Việt Trung chia sẻ.

Công nghệ là cầu nối đưa các cổ vật đang được lưu giữ và trưng bày đến với thế giới số, hỗ trợ trong công tác số hóa, lưu giữ, phát huy giá trị cổ vật nói riêng và di sản của triều Nguyễn, văn hóa Huế nói chung.

Tin cùng chuyên mục