Trong khi đó công tác định giá, thẩm định giá và đấu giá tài sản lại liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, đa dạng và phức tạp. Tình trạng này có nguyên nhân khách quan là số việc và tiền thụ lý ngày càng nhiều và tiếp tục tăng cao so với năm trước (từ ngày 1- 10-2018 đến 31-7-2019) tăng trên 39.000 việc (tương đương gần 74.000 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, lượng việc tồn đọng, không có điều kiện thi hành trong nhiều năm qua cũng rất lớn, chưa có cơ chế giải quyết.
Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân chủ quan rất cần được khắc phục, báo cáo nhấn mạnh. Đặc biệt, hoạt động tín dụng, cho vay tại một số ngân hàng còn thiếu chặt chẽ, giá tài sản thế chấp được thẩm định để cho vay cao hơn nhiều lần so với thực tế, không chặt chẽ trong việc kiểm tra thực địa, xác định ranh giới và tình trạng pháp lý của tài sản thế chấp nên khi phát mãi tài sản phát sinh nhiều khiếu nại, tranh chấp; đấu giá nhiều lần không có người mua…
Điển hình là vụ Công ty cổ phần Thuận Thảo, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh… Vụ Công ty TNHH thương mại Hiệp Long được vay tới hơn 186 tỷ đồng, nhưng khi thi hành án, giá trị tài sản thế chấp chỉ định giá được trên 61 tỷ đồng. Vụ Công ty cổ phần thép Vạn Lợi (Hải Phòng) phải thi hành trên 1.000 tỷ đồng, nhưng khi thi hành án, tài sản kê biên đem bán đấu giá chỉ được 55 tỷ đồng. Vụ Công ty Cavidomex (Cà Mau) hoặc vụ Ngân hàng Hàng hải (Bình Dương) có tài sản thế chấp 400 tỷ đồng, hiện nay không thực hiện kiểm đếm tài sản được do không xác định được ranh giới đất. Công ty TNHH Mai Sáng (TPHCM) bán tài sản 20 lần không thành.Công ty TNHH sợi Việt Ý do Chi cục Thi hành án quận 12 TPHCM bán 15 lần không thành... Đó là chưa kể những trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành, nhưng cố tình chống đối, tẩu tán tài sản hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kéo dài việc thi hành án. |