Không chỉ vậy, đâu đó trong xã hội vẫn còn những ánh mắt xem thường đối với những công nhân đang làm nghề này. Chưa kể, một số công ty, doanh nghiệp “treo” lương nhiều tháng, khiến cuộc sống của họ lâm vào cảnh khó khăn.
Cụ thể là việc Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội (trước đây là Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân) nợ lương công nhân môi trường. Các công nhân làm việc tại đây đã bị nợ lương 5-6 tháng. Việc công ty không trả lương đã đẩy không ít công nhân phải đi lượm ve chai, vay nợ để trang trải cuộc sống. Công nhân bị nợ lương, cuộc sống xáo trộn cũng dẫn đến tình trạng thiếu công nhân thu gom, khiến việc thu gom rác bị đình trệ, nhiều ngày rác bị ùn ứ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, mỹ quan đô thị. Nhiều tháng qua, công nhân ở đây đã phản ánh, gửi đơn thưa kiện nhưng sự việc không chuyển biến.
Trước đó, vào năm 2017, tình trạng công nhân bị nợ lương cũng xảy ra ở một số công ty dịch vụ công ích quận huyện trên địa bàn TPHCM. Mặc dù các công ty dịch vụ công ích cũng là “nạn nhân” trong sự chậm trễ này, song vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng cần có một quy trình hành động hợp lý hơn, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Sự việc xảy ra ở khâu nào, đơn vị nào, bộ phận nào vẫn rất cần được giải quyết hài hòa. Bởi nếu không được giải quyết dứt khoát thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực.
Cho dù nguyên nhân gì đi nữa, các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan nên giải quyết thấu đáo, hợp lý, hợp tình cho người lao động. Đặc biệt là công nhân ngành vệ sinh môi trường. Khi sự cố xảy ra, công việc sẽ bị đình trệ, thiếu người thu gom sẽ khiến rác bị ùn ứ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày, và kinh phí để xử lý khủng hoảng này còn cao gấp bội lần. Doanh nghiệp sử dụng lao động phải có trách nhiệm với chính lao động của mình. Ở đây không chỉ là vấn đề luật pháp mà còn là đạo đức kinh doanh.