ĐB Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng chất vấn, học trực tuyến nhưng vẫn áp dụng chương trình như học trực tiếp, gây áp lực cho giáo viên và học sinh. Bộ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn nội dung cốt lõi để dạy trên truyền hình, dạy trực tuyến. Việc tinh giản chương trình được Bộ làm 2 lần trong thời kỳ có dịch bệnh, năm học này, Bộ xác định chương trình cốt lõi. Không phải là năm nào cũng tinh giản, cắt gọt đi, mà chú trọng vào nội dung cốt lõi để dạy và học. Khi học sinh quay lại trường sẽ củng cố và mở rộng thêm nội dung cốt lõi. Dạy và học trực tuyến cũng như thi, kiểm tra đều bám quanh nội dung cốt lõi. “Không phải là bê nội dung chương trình dạy trực tuyến”, Bộ trưởng khẳng định.
Trả lời chất vấn các ĐB, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho biết, học trực tuyến là biện pháp mà ngành giáo dục, thầy và trò ứng phó với dịch bệnh, nhưng việc triển khai còn nhiều khó khăn. Có tới 1,867 triệu em hiện không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học tập. Thậm chí, có gia đình 2-3 anh chị em chỉ có một điện thoại để học. Thực trạng này đã khiến nhiều học sinh dần bỏ học. "Giải quyết vấn đề này cấp bách hơn là đánh giá xem các cháu học được gì từ chương trình trực tuyến", Bộ trưởng thừa nhận, nhiều nơi chỉ dừng ở mức độ học được chút nào thì tốt chút đó, rất may là vừa qua ở nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn... do dịch không phức tạp nên các cháu được học trực tiếp.
Vừa qua, ngành giáo dục đã huy động được 140.000 máy tính để hỗ trợ các em. Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành khảo sát chất lượng học trực tuyến, nhưng chỉ thực sự chính xác khi các em quay lại trường, chúng ta tiến hành kiểm tra kiến thức học sinh. “Nhưng chắc chắn học trực tuyến không thể được như học ở trường”, Bộ trưởng nói và cảnh báo các trường học không được tiến hành kiểm tra, đánh giá, khảo sát học sinh bằng các bài kiểm tra ngay khi các em quay lại trường học.
Bộ trưởng nhấn mạnh, khi học sinh quay lại trường cần phân loại học sinh, triển khai hỗ trợ học sinh theo từng nhóm, vì nhiều em không có thiết bị để học. Đây là điều mà các nhà trường, giáo viên phải hết sức chú ý.
Trả lời ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh có đưa vấn đề ứng xử trên mạng vào nội dung chính thức của môn Giáo dục công dân ở trường học hay không? Bộ trưởng cho rằng, nội dung này là quan trọng, nhưng đưa vào môn học chính thức thì Bộ GD-ĐT cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, Bộ trưởng không thể quyết ngay ở đây được.