Kỳ Đài (còn gọi là Cột cờ) là di tích kiến trúc thời Nguyễn. Kỳ Đài được xây dựng năm Gia Long thứ 6 (1807) ở vị trí chính giữa trên mặt nam của Kinh thành, thuộc phạm vi pháo đài Nam Chánh.
Kỳ Đài gồm hai phần: Đài cờ và cột cờ. Đài cờ là một cái đài đồ sộ gồm 3 tầng hình chóp cụt chữ nhật chồng lên nhau.
Tầng thứ nhất cao hơn 5,5m, tầng giữa cao gần 6m, tầng trên cùng cao hơn 6m.
Tổng cộng của ba tầng đài cao khoảng 17,5m. Chung quanh mỗi tầng đều có xây lan can, mặt nền của các tầng đài đều lát gạch Bát Tràng. Lối đi từ tầng dưới lên tầng trên cùng trổ ở mặt Bắc, ở tầng trên cùng, xưa có hai điểm canh và pháo xưởng để bố trí các khẩu đại bác.
Cột cờ nguyên xưa làm bằng gỗ, gồm 2 tầng, cao gần 30m. Năm Thiệu Trị 6 (1846), cột cờ được thay bằng một cây cột gỗ dài suốt hơn 32m.
Đến năm Thành Thái 16 (1904), Cột cờ này bị một cơn bão lớn thổi gãy, nên sau phải đổi làm bằng ống gang.
Năm 1947, khi quân Pháp tái chiếm Huế, cột cờ lại bị pháo bắn gãy một lần nữa. Năm 1948, cột cờ bằng bê-tông cốt sắt với tổng chiều cao 37m như hiện nay mới được xây dựng.
Cùng với những bước thăng trầm của cố đô Huế, Kỳ Đài là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Ngày 23-8-1945, lần đầu tiên lá cờ của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tung bay phất phới trên đỉnh Kỳ Đài. Kỳ Đài không chỉ là vị trí trung tâm của TP Huế mà còn là một biểu tượng của mảnh đất Cố đô.
Hiện Kỳ Đài là một trong những công trình triều Nguyễn nằm trong hệ thống Di sản Huế đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới năm 1993. Hằng năm, đến các ngày lễ quan trọng, lá cờ Tổ quốc trên Kỳ Đài sẽ được thay mới. Đứng ở Kỳ Đài, người dân và du khách dễ dàng quan sát sông Hương, Phu Văn Lâu, Nghênh Lương Đình.
Ngày nay, Kỳ Đài đã trở thành một trong những biểu tượng tiêu biểu của di sản Huế gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Cùng với Kinh thành, đây chính là di tích thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến thăm quan.
Cờ Tổ quốc là biểu tượng thiêng liêng của đất nước nên việc treo, gỡ, hạ và bảo vệ cờ trên đỉnh Kỳ Đài thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào của dân tộc, khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Tinh thần đoàn kết, phấn đấu xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Ông Lê Công Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, để lá cờ Tổ quốc (dài 12m, rộng 9m) ở Kỳ đài Huế luôn tung bay, không bị hư hỏng, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phân công nhiệm vụ cho các nhân viên của Tổ Bảo vệ Kỳ đài thường xuyên thay nhau túc trực, bảo quản.
Mặt khác, Kỳ Đài là điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế gắn liền với lịch sử dân tộc Việt Nam, hàng ngày có rất nhiều khách du lịch đến tham quan nên việc treo cờ, bảo vệ cờ làm cho điểm di tích càng trang trọng, thu hút du khách.