Lời chúc may mắn
Đã hơn 11 giờ đêm cuối năm, đang say ngủ trên chiếc xích lô cũ kỹ ngay góc đường Hồng Bàng - Phú Hữu (quận 5), ông Quá giật mình thức giấc vì nghe có tiếng hỏi: “Chú ơi, khuya rồi sao chú không về nhà ngủ cho đỡ mệt, mà lại ngủ trên xe vậy? Giờ này còn có ai thuê chở bằng xích lô hả chú?”.
Ông trả lời với giọng ngái ngủ: “Đây là “nhà” tôi chứ đâu! Tôi ngủ vậy 20 năm nay rồi, giờ đã 63 tuổi”. Ông Quá kể quê ở Bạc Liêu, độc thân, gia cảnh khó khăn nên 20 năm trước đã theo người bà con về Sài Gòn làm thuê kiếm sống.
Ông nói: “Tôi dành dụm mua được chiếc xích lô, hàng ngày chở thuê trái cây cho tiểu thương của các chợ xung quanh. Tối đến, chiếc xích lô lại thành ngôi nhà để tôi nghỉ ngơi”. Ông Quá khá bất ngờ và cảm động khi được nhận một túi quà sau cuộc trò chuyện, gồm bánh chưng, lạp xưởng, sữa, nước ngọt và phong bao lì xì.
Rồi ông thiệt thà: “Thôi, tôi nhận bao lì xì được rồi, quà khỏi, vì đâu ăn uống gì bao nhiêu. Tôi không ngờ năm nay mình lại may mắn được quan tâm, có được cảm giác tết từ những tấm lòng hảo tâm”. Đây là phần quà tặng từ chương trình Giao thừa ấm của các cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM).
Gia đình chị Ngọc Điệp (cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) trao quà tết tặng ông Quá
Cách đó không xa, một người đàn ông lớn tuổi, dáng khắc khổ, mệt mỏi, đang ngồi trước thềm một ngôi nhà đã đóng cửa, hai tay không ngừng xoa bóp đầu gối. Bên cạnh ông là chiếc xe đạp cũ kỹ, với vài tấm bìa cạc tông cột sau yên xe, trước ghi đông treo lủng lẳng mấy túi đựng ve chai vừa nhặt được.
Ông tên là A Quần, người Hoa, thuê nhà trong một xóm nghèo ở quận 3. Nhà chỉ có hai vợ chồng, con trai 19 tuổi mới mất chưa đầy 1 tháng vì bệnh ung thư. Bản thân ông bị tai biến, đau xương khớp, gắng đạp xe lượm ve chai phụ vợ kiếm tiền chợ và chữa bệnh cho bản thân. Vợ ông cũng làm thuê, giặt đồ mướn. Ông rưng rưng, cảm ơn rối rít khi nhận túi quà tết, nói lát nữa ông sẽ về sớm, chắc vợ ông mừng lắm.
Trên đường Hùng Vương - đoạn trước Công ty VNPT, vợ chồng anh Dũng và chị Mận đang cùng nhau ăn cơm, cũng bất ngờ khi được nhận túi quà tết sau những lời hỏi thăm. Hai vợ chồng cùng 52 tuổi, đều khuyết tật, quê ở Bình Định, vào Sài Gòn bán vé số mưu sinh.
Hàng ngày anh chị chia nhau đi bán, đến giờ ăn thì hẹn nơi ráp lại ăn chung; buổi tối về đại lý ngủ, nơi có hơn 20 người cùng hoàn cảnh. Tối 30 tết, mọi người về quê hết, chỉ còn anh chị ở lại.
Mong một giao thừa ấm
Trên đường đi phát quà, các bạn trẻ còn gặp nhiều cảnh đời khốn khó, không biết tết là gì. Hơn 200 phần quà (500.000 đồng/suất) đã được các thành viên trong chương trình gửi trao tận tay, với mong muốn mang đến một giao thừa ấm cho những người nghèo khó, bất hạnh.
Năm nay, chương trình tổ chức nấu 300 bánh chưng, quyên góp mua quà tặng với tổng trị giá 100 triệu đồng. Ngoài ra, các thành viên còn đóng góp 40 triệu đồng hỗ trợ gia đình anh Khanh - chị Diễm (cựu học sinh khóa 1987-1990 của trường), để chữa trị ung thư cho chị Diễm. Chương trình đã nhận được sự góp sức của bạn bè khắp nơi.
Các thành viên đều là những người thành đạt, nhưng không ngại vào bếp thái thịt, vo nếp, ép bánh, gói quà. Các khâu thực hiện được phân công chuẩn bị chu đáo, ăn khớp một cách chuyên nghiệp, dù đây là lần đầu chương trình tổ chức nấu bánh chưng với số lượng lớn như vậy.
Mỗi năm, sau khi trao quà tết, các thành viên vẫn trăn trở làm cách nào góp sức giúp được những mảnh đời cơ cực, bất hạnh, không chỉ bằng những phần quà ngày xuân, mà còn có cơ hội tìm được việc làm ổn định, cải thiện cuộc sống.
Tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, ngày 30 tết, nhiều đoàn từ thiện đã đến thăm, tặng quà bệnh nhân khó khăn không có điều kiện về nhà đón tết. Ngoài phần quà tặng, các bệnh nhân còn được nhận bao lì xì, động viên tinh thần bệnh nhân và gia đình yên tâm chữa bệnh, đón tết trong bệnh viện.
Chị Tuyết, Trưởng nhóm Từ thiện Tâm Ái, không khỏi bùi ngùi khi chứng kiến nhiều hoàn cảnh đáng thương. Chị chia sẻ: “200 phần quà không đáng là bao so với những thiệt thòi các bệnh nhân ở đây phải chịu. Chị mong các bệnh nhân cùng gia đình có một mùa xuân ấm áp với nhiều may mắn”.