“Hồi sinh” hàng ngàn mảnh đời
Chặng đường giúp đỡ những mảnh đời khuyết tật của “cô tiên Nga” đến nay đã tròn 30 năm 7 tháng. Cô kể về cơ duyên: “Đó là vào năm 1990, khi em gái tôi bị tai nạn gãy xương đùi. Tôi theo em nằm viện suốt 3 năm trời, từ các bệnh viện ở Quy Nhơn, Đà Nẵng đến Hà Nội và chứng kiến rất nhiều bệnh nhân với đủ hoàn cảnh nên phần nào đồng cảm, nhen nhóm lên ý tưởng làm gì đó để giúp những người khuyết tật”.
Những năm đầu thập niên 1990, ở Bình Định chưa có mô hình đào tạo, cải thiện chức năng nghề nghiệp cho người khuyết tật. Do vậy, khi bắt gặp ý tưởng của cô Nga, nhà báo Trần Quang Khanh (hiện là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ tỉnh Bình Định) đã giới thiệu cô đến Trung tâm Xúc tiến việc làm tỉnh để được hướng dẫn, hỗ trợ.
“Bản thân tôi hồi trẻ có nghề in ấn, đan len và may nên việc mở trung tâm, hỗ trợ người khuyết tật khá thuận lợi. Nhờ số tiền hồi môn của mẹ để lại, tôi sắm dụng cụ cần thiết để thành lập trung tâm hỗ trợ người khuyết tật đầu tiên tại tỉnh”, cô Nga kể.
Cô Nga chia sẻ thêm, phương châm của trung tâm là đào tạo, dạy nghề cho người khuyết tật để họ làm ra sản phẩm của chính mình, sau đó quay lại nuôi sống bản thân, giúp đỡ người khác. Đến với trung tâm, những người khuyết tật được lựa chọn học các nghề như: in ấn, may, thêu, đàn, hát, vi tính và các kiến thức chuyên ngành khác. Trung tâm sẽ hướng dẫn và mời giáo viên về đào tạo tại chỗ và hỗ trợ 50% kinh phí cho học viên. Từ đó đến nay, cô Nga đã giúp đỡ được gần 2.000 trẻ em, người khuyết tật. Đa số những người này sau đó đều có tay nghề, hòa nhập cộng đồng với nhiều công việc để nuôi sống bản thân.
Trong số những mảnh đời khuyết tật được cô giúp đỡ, nhiều người lựa chọn gắn bó với cô để thực hiện các ý tưởng cao đẹp, có ích cho xã hội. Trường hợp cô Nguyễn Thị Gái (50 tuổi, huyện Tây Sơn, Bình Định) là một ví dụ. Hiện cô Nguyễn Thị Gái đang là giáo viên dạy đàn piano, đàn tranh cho rất nhiều trẻ em khuyết tật ở TP Quy Nhơn.
Hay trường hợp đặc biệt hơn là chị Huỳnh Thị Diệu Nguyệt (37 tuổi, ngụ thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, Bình Định) vốn bị mù 2 mắt nhưng lại đam mê nghề thêu. Nhờ nghị lực và sự hỗ trợ tận tâm của cô Nga, đến nay chị Nguyệt đã có nghề thêu tranh thư pháp và tiếp tục truyền nghề cho nhiều hoàn cảnh khác.
Món nợ về môi trường
Cô Nga nhớ lại, 15 năm trước, cô kết nối được với một công ty du lịch ở Australia khai thác tour Hà Nội - TPHCM và nhận được hợp đồng lâu dài để may túi xách làm quà tặng du lịch. Nhờ đó, các học viên khuyết tật tại trung tâm mới có công ăn việc làm, có thu nhập và trung tâm có nguồn thu để duy trì.
“Ngày ấy, họ yêu cầu chúng tôi may túi du lịch có dòng chữ tiếng Anh “Please say no to plastic bags”. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ làm theo đơn đặt hàng chứ không biết ý nghĩa của nó về môi trường. Cứ thế suốt 15 năm trời, đến đợt dịch Covid-19 vừa qua thì phía công ty họ gặp khó khăn và ngừng hoạt động. Về sau, tôi mới hiểu được ý nghĩa dòng chữ trên là “Hãy nói không với túi ni lông” nên vô cùng áy náy. Bởi, từ 15 năm trước, chúng tôi đã làm môi trường, nhưng chưa bao giờ tìm hiểu về môi trường, để làm cái gì đó chung tay cùng với họ”, cô Nga kể.
Xuất phát từ “món nợ” đó, tháng 7-2021, khi xã hội đang gồng mình giữa “cơn lốc” đại dịch thì cô Nga bắt đầu lên ý tưởng xây dựng vườn tái chế rác thải mang tên “Vườn tái chế - NNC”. Để có cơ sở, cô Nga tìm mua mảnh đất ở góc núi thuộc thôn Long Thành, xã Phước Mỹ (ngoại ô TP Quy Nhơn). Ban đầu, cô Nga tuyển chọn 17 em khuyết tật để cùng xây dựng vườn tái chế. “Trước khi làm tái chế, tôi cho các học viên học, làm bài tập trong 3 tháng để hiểu về môi trường, tác hại rác thải nhựa và ý nghĩa khi tái chế rác”, cô Nga nói.
Trước kia, Phước Mỹ là “điểm đen” về rác thải sinh hoạt. Vì vậy, cô Nga mới mở đầu chiến dịch dọn rác trong các xóm, làng. Nhóm “khuyết tật xanh” của cô Nga bắt đầu thành lập. Để tăng tính lan tỏa, nhóm treo băng rôn “Hãy giúp đỡ, chung tay cùng chúng tôi tái chế rác thải”. Mỗi thứ bảy, nhóm “khuyết tật xanh” tràn ra khắp đường làng, ngõ xóm đến các nhà dân để dọn dẹp, nhặt rác mang về. Nhìn thấy những trẻ em đi xe lăn nhặt, dọn rác thải sinh hoạt, nhiều người bắt đầu rỉ tai nhau tự thay đổi thói quen xả rác, tự thu gom, phân loại rác nhựa để giúp đỡ nhóm khuyết tật.
Vậy là chẳng mấy chốc rác nhựa chất đầy khắp khu vườn, nào là chai nhựa, lọ thủy tinh, bao bì carton, giấy báo cũ, túi ni lông, vỏ lon, lốp xe, vỏ kẹo… Sau khi thu về, cô Nga bắt đầu chia tổ để xử lý làm sạch, phân loại rác phục vụ việc tái chế. Những chai nhựa được cắt ra làm đồ trang trí, còn lốp xe được tái chế thành đu quay; bao bì, giấy kẹo, thùng carton được “biến hóa” thành các mô hình quả cầu trái đất, thuyền lội nước, ô tô, cây đàn, bộ trống, máy bay, giỏ hoa…Hoặc rác nhựa lớn hơn được tái chế thành nhiều đồ dùng hữu ích, như: chổi, cào, xúc, xô đựng rác. Nhiều rác thải khác được các em khuyết tật phân loại tái sử dụng xây dựng, trang trí vườn rau xanh, sân bóng, sân trượt nước, khu vui chơi, nhà vệ sinh…
Ngoài ra, cô Nga tổ chức cho các em khuyết tật thu gom vải vụn ở các hiệu may đưa về vườn tái chế. Từ vải vụn, các em khuyết tật sẽ vệ sinh sạch, phơi khô cắt ra làm vật liệu để may tái chế thành quần, áo, túi xách, tạp dề, quạt, tranh, mặt nạ tuồng, khăn trải, gấu bông tí hon…
Giấc mơ… với rác
Từ khu đất đồi cằn cỗi rộng chừng 2.000m2, qua sự dẫn dắt của cô Nga cũng như 17 “kiến trúc sư” khuyết tật, đã biến thành trung tâm vui chơi, học tập đầy ý nghĩa cho cộng đồng. Về sau, du khách trong nước và quốc tế biết đến, ghé thăm khu vườn rất đông. Họ đến để chung tay đóng góp giúp những người khuyết tật, góp ý tưởng, mô hình mới về tái chế rác thải. Ngoài ra, mỗi ngày có rất nhiều trường mầm non, tiểu học ở TP Quy Nhơn đặt lịch để đưa các em học sinh đến trải nghiệm những buổi học ngoại khóa về bảo vệ môi trường do cô Nga và các bạn trẻ khuyết tật truyền giảng…
Đưa chúng tôi ghé qua khu tái chế vải vụn, cô Nga giới thiệu rất nhiều sản phẩm vô cùng bắt mắt do tổ may gồm 5 bạn khuyết tật làm ra trong nhiều năm qua. Từ những vải vụn muôn màu sắc, qua bàn tay của những thợ may khuyết tật, được tái chế thành các sản phẩm rất ấn tượng. “Các sản phẩm may từ vải tái chế này trở thành nhiều trang phục, túi, đẹp không thua gì đồ ở siêu thị. Có những mảnh vải vụn nối ghép lại màu sắc không giống nhau, nhưng khi thành sản phẩm lại rất hợp lý, độc lạ mà sang trọng. Không chỉ có ý nghĩa về môi trường, mà sản phẩm do chúng tôi làm ra còn phải hợp xu thế và hợp thời trang”, cô Nga nói.
Cô Nga chia sẻ, ước mơ của cô là sẽ đưa các sản phẩm tái chế từ rác đến các phiên chợ thương mại, triển lãm, lan tỏa rộng rãi ra cộng đồng để xã hội chung tay bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa. Bên cạnh đó, các sản phẩm được bày bán, được xã hội đón nhận giúp trung tâm và các mảnh đời khuyết tật có công ăn việc làm, tự nuôi sống bản thân họ. “Nhất là tôi muốn trả “món nợ” với những người bạn ở Australia.
Tới đây, vườn tái chế của chúng tôi sẽ may lại túi tái chế du lịch từ vải vụn với 2 hàng chữ tiếng Anh và tiếng Việt: “Please say no to plastic bags - Hãy nói không với túi ni lông”. Chúng tôi sẽ làm đẹp hơn để biến chúng thành sản phẩm truyền thống của du lịch Quy Nhơn phục vụ du khách khi đến tham quan quê hương chúng tôi”, cô Nga bày tỏ.