Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa cho biết sẽ kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có văn bản đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ không đưa các bộ phận thiết bị kiểm tra trong dây chuyền kiếm định xe cơ giới vào danh mục phương tiện đo nhóm 2 tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 23/2013/TT-BKHCN đang lấy ý kiến các Bộ, ngành và đơn vị liên quan.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, các thiết bị trong một dây chuyền kiểm đinh của các đơn vị đăng kiểm hiện đang được Chính phủ giao cho Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra định kỳ hàng năm. Nếu phải tháo rời mang về Hà Nội kiểm định như đề xuất của Bộ KHCN là rất phức tạp, do thiết bị cồng kềnh, dễ bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển, nhất là các trung tâm đăng kiểm ở tỉnh xa như Điện Biên, Sơn La, Lào Cai...
Hơn nữa, việc tháo rời thiết bị đồng nghĩa với việc ngưng trệ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới của đơn vị, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải của các doanh nghiệp và người dân tại các địa phương. Đặc biệt, giá kiểm định phương tiện đo nhóm 2 theo thông báo của Viện Đo lường Việt Nam là quá cao, khoảng trên 55 triệu đồng/dây chuyền kiểm định, tăng gần 20 lần so với chi phí kiểm tra hiện nay là 3,1 triệu đồng/dây chuyền. Hiện các trung tâm đăng kiểm không có nguồn kinh phí nào để bù đắp cho phần kinh phí bị đội lên này nếu không được tăng giá kiểm định xe cơ giới từ các chủ phương tiện. Tuy nhiên, việc tăng giá kiểm định xe cơ giới từ chủ phương tiện không khả thi do giá dịch vụ đăng kiểm được quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Ông Nguyễn Hữu Trí, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, việc có thêm tổ chức kiểm định là không cần thiết và làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp. Các chuyền thiết bị kiểm định xe cơ giới đều có các yêu cầu kỹ thuật riêng của nhà sản xuất về sử dụng mẫu, tiêu chuẩn đánh giá cũng như đào tạo người sử dụng, kiểm tra, đánh giá thiết bị. Hiện Cục Đăng kiểm đang thực hiện với đầy đủ các trang thiêt bị kỹ thuật và nguồn nhân lực được đào tạo cấp chứng nhận.