Dư luận hiện rất quan tâm việc ông Võ Quốc Bình (40 tuổi, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1, TPHCM) đã gửi đơn lên Văn phòng Chính phủ đề nghị giải tán hội phụ huynh học sinh. Trong bối cảnh chuyện lạm thu đầu năm học trở thành mối quan tâm lớn xã hội, phóng viên SGGP đã ghi nhận một số ý kiến liên quan vấn đề này bên lề Hội thảo Giáo dục 2017 diễn ra hôm nay, 22-9.
Dư luận hiện đang rất quan tâm đến việc ông Võ Quốc Bình (40 tuổi, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1, TPHCM) đã gửi đơn lên Văn phòng Chính phủ đề nghị giải tán hội phụ huynh học sinh. Lý do là tại cuộc họp Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 3/2 Trường Tiểu học Hòa Bình, ban này dự kiến lót sàn gỗ cho lớp với chi phí 14 triệu đồng, chia bình quân mỗi phụ huynh đóng 400.000 đồng. Thư này được phát cho học sinh và đưa về cho cha mẹ viết ý kiến vào. Không đồng ý, ông Bình đề nghị giải tán hội phụ huynh khi họ không còn làm tốt vai trò chủ yếu của mình nữa.
Trước đó, liên quan đến vấn đề lạm thu đầu năm học xảy ra ở nhiều nơi khiến xã hội bất bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có văn bản chỉ đạo Bộ GD-ĐT, UBND các tỉnh thành yêu cầu rà soát văn bản bảo đảm chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa. Các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải bảo đảm đúng tính chất tự nguyện của người, tổ chức tài trợ, đóng góp. Tuyệt đối không để lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt.
Vấn đề lạm thu cũng trở thành mối quan tâm lớn của báo chí bên lề Hội thảo Giáo dục 2017 diễn ra hôm nay 22-9. SGGP ghi nhận một số ý kiến:
* Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: Có thể xóa bỏ quy định cho hội phụ huynh thu tiền
Ban đại diện cha mẹ học sinh rất cần thiết vì có chức năng phối hợp, kết nối giữa nhà trường và gia đình trong quá trình giáo dục học sinh. Tuy nhiên cần xem xét hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh để đảm bảo hiệu quả và phát huy đúng vai trò chức năng của mình.
Thực tế, hiện nay một số nơi ban đại diện cha mẹ học sinh chưa làm đúng quy định tại điều lệnh mà Bộ GD-ĐT đã ban hành tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT. Đây là trách nhiệm của ban đại diện cha mẹ học sinh và hiệu trưởng.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng có thể thay đổi quy định về ban đại diện cha mẹ học sinh "Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường thanh, kiểm tra để có biện pháp chấn chỉnh việc thực hiện đúng theo quy định điều lệ của ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó có thể xóa bỏ quy định cho hội phụ huynh thu tiền"
Ban đại diện cha mẹ học sinh cần có sự kết nối để quản lý, giáo dục học sinh cùng nhà trường sao cho tốt hơn. Những vấn đề về học sinh hoặc các hoạt động nâng cao chất lượng học tập, nhà trường cần thông báo cho hội phụ huynh biết, cùng trao đổi thông tin cụ thể. Trách nhiệm của phụ huynh và nhà trường là cùng nhau xây dựng môi trường giáo dục tốt cho các cháu.
"Không nên biến tướng ban đại diện cha mẹ học sinh thành tổ chức để lạm thu trong nhà trường"
Ban đại diện cha mẹ học sinh được phép thu hội phí theo quy định. Trước những biến tướng như hiện tại, Bộ GD-ĐT nghiên cứu có thể bỏ quy định này để tránh hiện tượng lách luật. Việc phụ huynh muốn đóng góp phải trên tinh thần tự nguyện
* GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới: Xã hội đang kêu lạm thu, liệu có hiện thực không khi học phí chỉ 30.000-40.000 đồng/tháng?
Ban đại diện cha mẹ học sinh ngoài nhiệm vụ phối hợp với nhà trường giáo dục học sinh còn giám sát các hoạt động của nhà trường. Nhưng có một số nơi người ta dùng ban đại diện cha mẹ học sinh như cánh tay nối dài của hiệu trưởng để thu tiền. Cái này không đúng đắn, phải chấn chỉnh.
"Xã hội đang kêu về lạm thu. Luật giáo dục quy định ngoài học phí không được thu bất kỳ khoản nào khác. Liệu có thực hiện được không khi mà học phí chỉ thu 30.000-40.000đồng/tháng..."
Các trường làm một số dịch vụ khác, đơn giản như giữ xe thì tiền đâu để thuê người giữ xe, nên phải thu tiền để thuê. Nhưng có nhiều nơi, vì quy định được thu nên họ lợi dụng kẽ hở để thu quá lên. Tôi cho rằng cần quy định rõ ràng, khoản nào là dịch vụ, khoản nào là tiền đóng góp xây dựng cơ sở vật chất.
Vừa qua phụ huynh họ kêu nhiều là do có nhiều khoản thu vô lý. Ví dụ nhà trường thu của phụ huynh tiền mua điều hòa trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh. Nhưng vấn đề là điều hòa mua một lần dùng được hàng chục năm, mà nhà trường thì năm nào cũng thu tiền điều hòa. Thế nên phụ huynh họ bức xúc.
"Tôi cho rằng phải có cách vay tiền của phụ huynh, ví dụ tiền điều hòa coi như nhà trường vay của phụ huynh để mua, đến khi các cháu ra trường phải trả lại cho phụ huynh vì đã có khoản thu của học sinh lớp mới vào. Như thế thì phụ huynh cảm thấy sòng phẳng, không kêu"
Học phí hiện nay chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Để bảo đảm chi phí cho giáo dục cũng nên tăng học phí, nhưng việc này phải do Chính phủ quy định và cơ quan quyền lực của địa phương quy định mức thi. Theo tôi, cấp học cao nên thu học phí đủ phần nào chi, nhà nước sẽ dành tiền để đầu tư cho cấp học tiểu học, sau này mở rộng ra THCS vì cấp giáo dục phổ cập thì được miễn học phí.
* TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Câu chuyện thu phải giải quyết từ 3 phía
"Câu chuyện về thu phải giải quyết được từ 3 phía. Thứ nhất, bản thân hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. Thứ 2, ban đại diện phụ huynh phải làm thật đúng chức năng của mình, có đủ năng lực, phẩm chất. Thứ ba, có sự tham gia của cộng đồng là chính quyền địa phương"
Sự tham gia giám sát tài chính của các trường không phải chỉ có phụ huynh với hiệu trưởng, mà phải có người thứ 3 phân xử, không thì bao giờ phụ huynh cũng yếu thế so với hiệu trưởng. Vậy tại sao chúng ta không đưa thành phần thứ ba là chính quyền địa phương. Chính quyền phải cử người đại diện cho cộng đồng địa phương để tham gia chung với nhà trường, vừa là đại diện của địa phương vừa là trọng tài giải quyết mối quan hệ phụ huynh và hiệu trưởng.
Nếu hiệu trưởng nào có năng lực, có dân chủ để mong muốn phát triển nhà trường thì bao giờ cũng tìm ra một ban phụ huynh tốt, đúng chức năng chứ không lợi dụng ban phụ huynh. Chỉ những hiệu trưởng năng lực và ý thức kém, muốn xà xẻo thì mới dùng một ban phụ huynh hình thức. Nếu muốn danh chính ngôn thuận, huy động được nguồn lực của cha mẹ học sinh thì phải làm một cách đoàng hoàng mới huy động được. Chúng ta phải hiểu huy động nguồn lực ngoài tiền ra, còn trí tuệ, sáng tạo, sự lăn lộn với giáo dục, đó mới là điều quan trọng chứ không phải là mỗi chuyện tiền.
"Chỉ những hiệu trưởng năng lực và ý thức kém, muốn xà xẻo thì mới dùng một ban phụ huynh hình thức"
Vấn đề bây giờ là Bộ GD-ĐT hướng dẫn rõ những khoản nhà trường được thu và những khoản nhà trường không được thu. Trong tình hình thiếu thốn cơ sở vật chất mà mà không có ngân sách ngay hiện nay thì một cái sân đang hỏng, nhà đang dột gây nguy hiểm cho học sinh... Rất cần có đóng góp của phụ huynh. Có thể kêu gọi lòng hảo tâm của phụ huynh, hoặc trường có thể dám vay của phụ huynh khi có ngân sách thì trả. Nếu chúng ta cứ cứng nhắc không được làm việc này thì nhà trường khó vượt qua khó khăn riêng của nhà trường. Còn tiền nước, vệ sinh là những cái tối thiểu thì mọi người phải có trách nhiệm. Hiện nay, chúng ta đang lẫn lộn rất nhiều thứ và tất cả đều đổ lên ban phụ huynh và quan niệm đó là không đúng. Vấn đề là những khoản đó phải được công khai, giám sát.
Tôi bảo vệ ban phụ huynh và đừng trách nhầm họ. Vì người ta không có quyền và chức năng để làm đủ những cái phải làm. Vấn đề là phải bầu đúng những người có năng lực vào ban phụ huynh, và đặc biệt là đưa người có năng lực vào giám sát, nhất là giám sát của cộng đồng.
PHAN THẢO ghi