Về tốc độ chạy tàu, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có tốc độ thiết kế tàu khách 350km/h, tàu hàng 160km/h. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, các tuyến mới sẽ khai thác bằng khoảng 90% tốc độ thiết kế. Vì vậy, dự kiến trong giai đoạn đầu, tốc độ khai thác tối đa của tàu khách là 320km/h, tàu hàng là 120km/h.
Trong quá trình khai thác, việc nâng tốc độ khai thác tối đa sẽ được tổng kết, đánh giá và thử nghiệm. Để bảo đảm an toàn, đơn vị tư vấn đã tính toán, tham khảo các thông số kỹ thuật theo tiêu chuẩn châu Âu. Hiện Bộ KH-CN cũng đã ban hành một số tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao được soạn thảo theo tiêu chuẩn châu Âu và đang tiếp tục lộ trình chuyển đổi hệ thống tiêu chuẩn này.
Về hướng tuyến, Bộ GTVT cho biết, 20/20 tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua thống nhất phương án đề xuất, trên nguyên tắc thẳng nhất có thể. Sau đó, có 2 địa phương kiến nghị điều chỉnh một số vị trí, tư vấn tiếp thu và rà soát chiều dài toàn tuyến giảm từ 1.545km xuống còn 1.541km.
Về vị trí ga, toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam bố trí 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa. Tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định Nhà nước, trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT và đơn vị tư vấn sẽ xem xét các vị trí ga tiềm năng như: Nghi Sơn, Chân Mây, La Gi, Cam Lâm.
Các ga này có thể được bổ sung khi địa phương hình thành và phát triển các đô thị có quy mô dân số và có nhu cầu vận tải đủ lớn; khoảng cách giữa các ga bảo đảm yêu cầu kỹ thuật khai thác và giao cho địa phương chủ trì kêu gọi đầu tư các khu ga theo phương thức PPP.
Về quy mô nhà ga, trong báo cáo tiền khả thi xác định mỗi vị trí ga hành khách đều quy hoạch từ 250 - 300ha, gồm 3 khu chức năng: khu trực tiếp phục vụ đón, tiễn khách, bãi đỗ xe; khu vực dịch vụ, thương mại; khu vực đô thị dịch vụ. Trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất vị trí, quy mô cụ thể các nhà ga phù hợp đảm bảo đáp ứng đủ các yêu cầu.