Chiều 2-11, UBND TPHCM tổ chức Tọa đàm Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện một số nội dung trọng tâm của Đề án 06/CP trên địa bàn TPHCM. Đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 chủ trì.
Tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt trên 70%
Tại tọa đàm, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, Công an TPHCM bước đầu thực hiện một số việc đáng ghi nhận, như: Mở đường dây nóng, thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các cụm dân cư, tổ chức triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan, cấp sổ định danh điện tử, căn cước công dân.
Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TPHCM phát biểu. Ảnh: THU HOÀI |
Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2023, thành phố ghi nhận trong 10 triệu hồ sơ, chỉ 2,3 triệu hồ sơ trực tuyến (tỷ lệ 23%).
Phó Giám đốc Công an TPHCM nhấn mạnh, thời gian tới có nhiều việc cần làm để đơn giản hóa thủ tục hành chính; dữ liệu thực hiện dịch vụ công trực tuyến phải đúng, đủ, sạch, sống, được liên thông, kết nối, xác nhận.
Cùng với đó, cần quan tâm hệ thống thiết bị, kỹ thuật, công nghệ truyền tải; đặc biệt tính pháp lý khi thực hiện dịch vụ công trực truyến.
Về kết quả triển khai thực hiện Đề án 06 ở TPHCM, Thượng tá Lê Văn Hải, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an TPHCM cho biết, trong 9 tháng năm 2023, Ban Chỉ đạo đã quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trên toàn thành phố.
Thượng tá Lê Văn Hải, Trưởng Phòng PC06, Công an TPHCM phát biểu |
Về 25 dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06, thành phố đã triển khai tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến cho người dân trên Cổng dịch vụ công TPHCM và Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trong đó, 11 dịch vụ công của ngành công an đã hoạt động ổn định, tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt trên 70%.
Từ ngày 10-7 đến nay, UBND phường, xã, thị trấn tiếp nhận hơn 2.600 hồ sơ thuộc 2 nhóm thủ tục liên thông trên Phần mềm dịch vụ công liên thông, ghi nhận xử lý xong 692 hồ sơ; số còn lại là số không được tiếp nhận, chưa được tiếp nhận, hồ sơ cần phải bổ sung, dừng xử lý.
Tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến tham luận của đại diện các địa phương, sở, ngành của TPHCM. Đại diện Sở Tư pháp cho biết, trong triển khai thực hiện 2 nhóm dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí” tại UBND quận, huyện, TP Thủ Đức, hiện nay đang phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ liên thông chưa đồng bộ, thống nhất, tình trạng hồ sơ nộp một cửa và đi nhiều phòng; chưa có bộ phận chuyên trách xử lý phát sinh trong quá trình tiếp nhận hồ sơ… Sở Tư pháp kiến nghị quy trình liên thông điện tử 2 nhóm thủ tục khai sinh, khai tử cần tổ chức theo dõi, tổng kết thực tiễn nhằm hoàn thiện quy trình; ban hành văn bản pháp lý để triển khai đồng bộ.
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: THU HOÀI |
Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị vào Đề án 06
Phát biểu tại tọa đàm, đại diện UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức đề xuất một số giải pháp nâng cao công tác quản lý nhà nước về cư trú, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp với các trường hợp đang cư trú tại khu dân cư, nhà ở tự phát, chưa đủ điều kiện về chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú, tạm trú.
Theo đó, đề xuất tích hợp thêm một số tiện ích trong căn cước công dân, như: Ví điện tử, tài khoản ngân hàng, giấy tờ nhà đất… Cùng với đó, đề xuất điều chỉnh theo hướng đơn giản, linh hoạt trong thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú của người dân, đặc biệt trong xác minh tình trạng nhà đất vì hiện nhiều người dân có nhà ở nhưng không đăng ký thường trú được do có vi phạm hành chính trong đất đai, xây dựng.
Đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm. Ảnh: THU HOÀI |
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đề nghị, thời gian tới cần hoàn thiện tính năng của hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu dân cư và phần mềm VNeID, xử lý các trường hợp khai sinh, khai tử, đăng ký thường trú, tạm trú khó khăn do các tính năng còn thiếu. Các Sở TT-TT, Tư pháp… cần tham gia hỗ trợ các sở, ngành để khai thác tối đa tính năng về thống kê hỗ trợ. Đặc biệt, cần nghiên cứu treo giải thưởng cho người góp ý, sửa các lỗi trên hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu dân cư.
Đồng thời, đề nghị Công an TPHCM cùng các đơn vị phối hợp triển khai các nội dung, hình thức tuyên truyền về lợi ích của Đề án 06, trách nhiệm của người dân trong thực hiện để đề án ngày càng lan tỏa sâu rộng.