Chiều 13-5, tại cuộc họp tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06), Bộ Công an cho biết, sau thời gian thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID ở các địa phương Hà Nội và Thừa Thiên Huế, tới nay đã tiếp nhận được gần 5.000 hồ sơ.
Theo Bộ Công an, việc người dân không phải đến cơ quan công quyền để xin cấp phiếu lý lịch tư pháp, với nhu cầu 2,6 triệu phiếu mỗi năm, thì có thể tiết kiệm được khoảng hơn 600 tỷ đồng.
Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06, tại TP Hà Nội, địa phương này đã triển khai sổ sức khỏe điện tử. Theo đó, có hơn 1,5 triệu người dân được tạo lập với 48/48 trường thông tin của Bộ Y tế.
Hiện nay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tại cuộc họp này, người đứng đầu Bộ Công an đề nghị sớm ban hành hướng dẫn thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Tiếp tục hoàn thiện các điều kiện để tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về 2 dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí” theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị Bộ GD-ĐT sớm nâng cấp hệ thống phần mềm để triển khai thí điểm học bạ số.