Tại cuộc họp, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ số tăng trưởng của tổng mức bán lẻ, dịch vị thương mại đạt yêu cầu đặt ra, còn chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng không cao.
Theo đó, chỉ số IIP tăng 7,0%, thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2018 là 7,1%. Riêng chỉ số sản xuất của 4 ngành công nghiệp trọng điểm cũng được xác định chỉ tăng 5,5%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ đạt 9,5%. Ngược lại, ở lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ thương mại tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lũy kế 6 tháng ước đạt 575 ngàn tỷ đồng, tăng 12,7% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,5%).
Từ nay đến cuối năm 2019, để tăng xúc tiến đầu tư, kết nối thị trường và kích cầu tiêu dùng, Sở Công thương TPHCM tăng cường tổ chức các hoạt động triển lãm công nghiệp, thương mại, tiêu dùng ở thị trường trong và nước ngoài, tổ chức các đoàn làm việc với từng doanh nghiệp để nắm bắt cũng như tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp.
Riêng với nguồn cung ứng thịt heo, dự báo tiếp tục bị ảnh hưởng do dịch tả heo châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, Sở Công thương TPHCM đã yêu cầu các doanh nghiệp chủ lực như Vissan, Công ty San Hà, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty Ba Huân, Công ty CP Việt Nam có kế hoạch, chủ động dự trữ thịt heo, kết hợp hỗ trợ nông dân tái đàn để tăng nguồn cung ứng cho thị trường vào cuối năm.
Trường hợp nguồn cung có nguy cơ thiếu hụt thì cho phép nhập khẩu thịt heo. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định 24 quốc gia có đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt vào Việt Nam, trong đó có Australia, Áo, Bỉ, Brazil, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hungary, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lithuania, Malaysia, Hà Lan, New Zealand, Tây Ban Nha, Ba Lan, Mỹ, Nga, Mexico…
Trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo qua các cửa khẩu TPHCM với khối lượng gần 6.000 tấn, kim ngạch nhập khẩu 10,29 triệu USD.