TPHCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam đã có gần 3 tháng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ, đặc biệt là tăng cường giãn cách theo Chỉ thị 16. Các biện pháp kiểm soát dịch thể hiện quyết tâm cao, góp phần kiềm chế được tốc độ lây lan, nhưng tình hình dịch bệnh nhiều khả năng còn kéo dài.
Mới đây, ngày 29-8, trong buổi họp trực tuyến với 20 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Cần thống nhất nhận thức khống chế dịch tuyệt đối là rất khó khăn (ngay cả nước có độ bao phủ cao về vaccine, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và khó kiểm soát) nhưng phải có cách làm, phương án chống dịch thích ứng, phù hợp, hiệu quả với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết”.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan phải hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai tổ chức sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất. Khuyến khích thực hiện duy trì, phát triển sản xuất tuy nhiên phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch nghiêm ngặt theo quy định; nhất là những doanh nghiệp có điều kiện và tự nguyện tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Tại TPHCM, thành phố đang xây dựng kế hoạch cụ thể để ứng phó có hiệu quả với tình hình dịch bệnh trong điều kiện hiện nay, để khôi phục và phát triển kinh tế phù hợp với dịch bệnh còn kéo dài, phức tạp.
Vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là mở cửa lại các hoạt động kinh tế thế nào, có thể “sống chung” với dịch Covid-19 không?
Cần tránh dẫn đến sự kiệt quệ kinh tế
Các địa phương cần tránh tình trạng dịch bệnh chưa giảm mà lại kiệt quệ kinh tế, sẽ dẫn đến những hậu quả rất khó lường về nhiều mặt trong đời sống xã hội. Với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu chống dịch dẫn đến thu nhập của phần lớn người lao động bị giảm. Trong thời gian tạm ngưng sản xuất hoặc giảm lao động, nhiều lao động đã về quê nên khi khởi động lại sản xuất cũng rất khó huy động đầy đủ lao động sản xuất.
Bên cạnh đó, chi phí giao dịch trong nền kinh tế tăng lên đáng kể, làm vô hiệu tính hiệu quả của đa số các thị trường trong nền kinh tế. Các tổn thất kinh tế xảy ra đối với phía cầu, lẫn cung. Theo đó, sức mua trong nền kinh tế cũng giảm (mặc dù có những thời điểm nhu cầu hàng hoá thiết yếu tăng do tâm lý tích trữ). Các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất như nguyên liệu, nhiên liệu động lực, nhân công,… đều bị gián đoạn và tăng chi phí.
Doanh nghiệp không làm ăn được, người lao động mất việc làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách trong bối cảnh áp lực chi phí chống dịch đang đè nặng lên ngân sách. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, rủi ro đối với hệ thống tài chính ngân hàng là không thể tránh khỏi. Nếu doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc làm ăn thua lỗ kéo dài, khó lòng trả được các khoản vay đến hạn. Rủi ro nợ xấu trong hệ thống ngân hàng sẽ tăng không chỉ đối với các khoản cho vay doanh nghiệp, mà còn đối với các khoản cho vay cá nhân. Bởi vì, nhiều người lao động mất việc làm hoặc bị giảm lương nên cũng gặp khó khăn trong thanh toán các khoản nợ vay như cam kết.
Đáng chú ý là các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, phần lớn trong số họ là sản xuất xuất khẩu. Việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt, kéo dài đã gây khó khăn cho việc sản xuất các đơn hàng xuất khẩu. Đối tác đặt hàng có xu hướng chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam để đặt hàng tại các quốc gia đã thực hiện sống chung với dịch.
Một điểm đặc biệt cần chú ý là kinh tế phi chính thức – lao động tự do - vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Lực lượng lao động thuộc khu vực phi chính thức rất đông đảo. Các biện pháp kiểm soát dịch thời gian qua dẫn tới gần như toàn bộ lao động khu vực phi chính thức phải tạm ngưng hoạt động. Nhiều người có số vốn nhỏ buôn bán để kiếm thu nhập sinh sống qua ngày. Khi tạm ngưng hoạt động, họ sẽ chi tiêu thâm hụt vào vốn và trắng tay. Số người mất việc làm, số người không có thu nhập gia tăng sẽ tạo nhiều vấn an sinh xã hội cần được giải quyết.
Lúc này đây, rất khó có thể kiểm soát dịch để đưa số ca nhiễm về con số 0, thì nên hướng đến mục tiêu kiềm chế cường độ lây nhiễm và giảm số ca tử vong trong thời gian dài. Do vậy, cần phải chuyển từng chiến lược “chống Covid-19” sang chiến lược “sống chung với Covid-19” trong mọi hoạt động của nền kinh tế.
Khác biệt giữa chiến lược “chống dịch” với “sống chung với dịch”
Chiến lược khác nhau biểu hiện trước hết qua con số mục tiêu khác nhau. Chiến lược chống dịch quan tâm nhiều đến kiểm soát số ca lây nhiễm, còn chiến lược sống chung quan tâm đến kiểm soát số ca tử vong hay tỷ lệ tử vong.
Mục tiêu khác nhau sẽ dẫn đến hành động khác nhau. Mục tiêu chống dịch hướng đến kiểm soát số ca lây nhiễm nên dẫn đến các hành động xét nghiệm, truy vết, cách xử lý tập trung, điều trị tập trung, phong tỏa "vùng đỏ", bảo vệ "vùng xanh"… như thời gian qua. Việc này chỉ phù hợp khi số ca nhiễm còn ở mức 2 hoặc 3 con số (nguồn lây thấp), phù hợp khi nguồn lực có đủ để thực hiện truy vết, đủ cơ sở cách ly tập trung, đủ nhân lực và thiết bị phục vụ điều trị, xét nghiệm, có đủ nguồn lực để hỗ trợ người dân mất việc làm.
Tuy nhiên, hiện nay số ca nhiễm trong cộng đồng quá cao, không đủ và cũng không thể chống dịch để đưa số ca nhiễm về con số 0. Thậm chí càng làm mạnh, số ca nhiễm ngày càng tăng. Chẳng hạn như càng xét nghiệm truy vết sẽ càng tạo ra sự tụ tập đông người gây nguy cơ lây nhiễm cao, hơn nữa xét nghiệm phát hiện quá nhiều cũng không thể có cách cách ly khỏi cộng đồng vì không đủ cơ sở vật chất phục vụ cho việc đó. Trong khi nguồn lực dàn trải cho việc thực hiện nhiều hoạt động chống dịch thì thiếu nguồn lực cho điều trị nên dẫn đến số ca tử vong tăng cao.
Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới. Cho dù đưa số ca nhiễm về con số 0 cũng không có nhiều ý nghĩa. Bởi khi mở cửa lại nền kinh tế, dòng người vào ra cũng sẽ tiếp tục tạo ra các nguồn lây nhiễm mới. Do vậy, lựa chọn sống chung là phù hợp.
Không ai ngăn cản được dòng sông ngừng chảy, cố ngăn sẽ vỡ đê và hao tài tốn của, sinh mạng vô ích. Còn nếu thuận theo dòng chảy, tìm cách giảm thiệt hại, bảo toàn tính mạng, lợi dụng dòng chảy để làm điều có giá trị mới là thượng sách. Việc sống chung với dịch Covid-19 là cách thuận theo dòng chảy, cần thích ứng đảm bảo hoạt động kinh tế vẫn được tiếp tục và giảm thiểu thiệt hại.
Con số mục tiêu của chiến lược “sống chung với dịch” là giảm thiểu ca bệnh tử vong hoặc cố gắng đưa tỷ lệ tử vong về mức gần 0%. Khi đó, hạn chế tối đa việc cấm đoán các hoạt động kinh tế, thay vào đó hướng các hoạt động kinh tế đảm bảo an toàn, hạn chế lây nhiễm. Khi bị nhiễm bệnh, người bệnh biết cách tự chăm sóc mình để hạn chế tối thiểu khả năng chuyển thành bệnh nặng. Khi bệnh nặng đảm bảo được điều trị, cấp cứu kịp thời nhằm hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Muốn vậy tập trung nguồn lực cho vaccine và điều trị.
Phương châm “sống chung với Covid-19”
Phương châm xuyên suốt của phương án “sống chung với dịch Covid-19” là tăng cường tiêm vaccine Covid-19 cho toàn dân, kiểm soát rủi ro tử vong, khơi thông lại dòng chảy nguồn lực trong các thị trường của nền kinh tế theo hướng giảm thiểu mức độ lây lan.
Để sống chung với Covid-19, cần có chiến lược quốc gia và phương án cụ thể. Trong chiến lược, cần chuyển trọng tâm đến mục tiêu giảm tử vong, khơi thông dòng chảy nguồn lực cho các thị trường, hạn chế mức độ lây lan, và xã hội hoá tiêm chủng vaccine và điều trị. Đồng thời, ban hành các quy định và hướng dẫn đảm bảo an toàn chống dịch đối với doanh nghiệp, trường học, cơ sở y tế, các chợ, giao thông và người dân. Thúc đẩy và hỗ trợ các đối tượng trong nền kinh tế thực hiện phương án sống chung với Covid-19 để khôi phục kinh tế. Cạnh đó, thực hiện các biện pháp hỗ trợ và giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng.
Cần xã hội hoá vaccine ngừa Covid-19
Tiến trình khởi động lại nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào tiến trình tiêm chủng vaccine Covid-19.
Bởi vì để đảm bảo sản xuất an toàn, điều kiện quan trọng nhất là mọi người lao động phải tiêm vaccine. Nguồn cung vaccine hạn chế, cũng như khả năng ngân sách bảo trợ cho việc tiêm chủng có hạn nên cần có chiến lược hợp lý để từng bước khôi phục lại nền kinh tế.
Cần xem việc tiêm chủng vaccine là một thị trường, nhu cầu tiêm chủng đang tăng cao nên việc đa dạng nguồn cung tiêm chủng vaccine là giải pháp nhanh nhất hướng đến cân bằng cung cầu trên thị trường. Theo đó, cho phép tất cả các cơ sở y tế tư nhân đủ điều kiện được phép nhập khẩu, mua vaccine đạt chuẩn để tiêm chủng cho người có nhu cầu. Nhà nước chỉ tiêm chủng miễn phí cho các đối tượng cần được hỗ trợ cụ thể như người nghèo, người lao động ở một số đối tượng doanh nghiệp cụ thể. Với cơ chế đó sẽ thúc đẩy các cơ sở y tế tìm kiếm những giải pháp nhằm có được nguồn vaccine để cung cấp dịch vụ tiêm chủng cho người dân.
Quy luật thị trường luôn là bàn tay vô hình dẫn đến hiệu quả phần lớn các thị trường. Việc xã hội hoá tiêm chủng vaccine là chiến lược phân phối vaccine hiệu quả nhất, tự khắc vaccine sẽ đến được nơi cần đến của nền kinh tế. Chẳng hạn như Nhà nước quy định điều kiện để doanh nghiệp hoạt động là tất cả người lao động tiêm vaccine đủ liều, thì doanh nghiệp sẽ tự khắc lựa chọn đơn vị tiêm vaccine cho người lao động nhằm đảm bảo đủ điều kiện hoạt động.
Mặt khác, việc xã hội hoá vaccine còn góp phần hướng nguồn ngân sách hỗ trợ đúng đối tượng hơn. Nhiều người có khả năng chi trả cho việc tiêm vaccine thì nên để họ tự chi trả, nguồn ngân sách để dành hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn. Hơn nữa, trước đó có rất nhiều loại vaccine khác nhau đã được tư nhân cung cấp dịch vụ tiêm chủng. Do vậy, việc xã hội hoá nguồn cung tiêm vaccine cần phải triển khai gấp vì có đủ luận cứ khoa học và thực tiễn.
Vừa qua, xã hội hoá việc tiêm vaccine và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, đã tạo ra cơ chế giúp nguồn cung vaccine nhập về Việt Nam nhanh. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng thúc đẩy nhanh tiến trình mở cửa lại nền kinh tế, một cơ chế phù hợp với chiến lược sống chung với Covid-19.
Y tế cộng đồng và điều trị
Cần đảm bảo mọi người dân đều có kiến thức phòng chống dịch. Theo đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền hiệu quả các biện pháp chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế về việc thực hiện 5K, tiêm vaccine, các biện pháp cách ly, điều trị tại nhà, nhập viện khi bệnh trở nặng…. Để tuyên truyền hiệu quả, cần tóm tắt ngắn gọn nội dung và sử dụng đa dạng các phương tiện để truyền thông đến với người dân.
Khi lựa chọn sống chung với Covid-19, cần cho phép tư nhân được phép tiếp nhận và điều trị có thu phí bệnh Covid-19 tương tự với các căn bệnh khác. Khi đó góp phần giảm tải cho các bệnh viện công, chia sẻ gánh nặng nguồn lực ngân sách cho vấn đề điều trị.
Khơi thông huyết mạnh cho nền kinh tế: Giao thông
Huyết mạch trong nền kinh tế là giao thông, cần có phương án chuẩn bị cho việc tháo dỡ các chốt kiểm soát không cần thiết. Thay cho việc kiểm soát ở các tuyến giao thông bằng cách tăng cường kiểm soát từ nguồn. Một người đi đường chắc chắn có các mục đích khác nhau như đi học, giải trí, mua sắm, vận chuyển hàng hoá từ nơi sản xuất đến điểm bán hàng hoặc từ công ty này đến công ty khác, từ nhà đến cơ quan.
Do vậy, chỉ cần đảm bảo an toàn ở các địa điểm xuất phát và điểm đến thì không cần thiết phải lập các chốt kiểm soát với các giấy xác nhận phức tạp gây tổn thất chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời cũng giảm được chi phí cho các chốt kiểm soát.
Các hoạt động dạy, học, hội thảo, họp chuyển sang hình thức online. Thời gian qua giáo viên và học sinh, sinh viên đã quen với hình thức dạy học online. Các đơn vị đào tạo đã bắt đầu trang bị hạ tầng công nghệ, học liệu phục vụ cho việc học online. Việc này không ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo. Để chia sẻ khó khăn cho học sinh, sinh viên, nhà trường có thể xem xét giảm học phí vì chi phí cơ sở vật chất dạy online thấp.
Khó khăn lớn nhất là triển khai dạy online là ở cấp tiểu học. Tuy nhiên, yêu cầu kiến thức bậc tiểu học không cao, nhà trường thiết kế chương trình, lịch trình dạy, giáo trình và kết quả học tập mong đợi chuẩn, chuyển cho phụ huynh. Phụ huynh có thể đồng hành cùng với trường để dạy kiến thức cho các cháu. Nếu kết quả học tập mong đợi được mô tả rõ ràng, phụ huynh có thể tự kiểm tra kiến thức của con mình.
Doanh nghiệp sản xuất và các công trình xây dựng
Tiêm vaccine, xét nghiệm định kỳ, có phương án cách ly trong trường hợp có ca nhiễm và làm việc trực tuyến đối với lao động gián tiếp.
Các doanh nghiệp sản xuất, công trình xây dựng cho hoạt động lại bình thường với mô hình sản xuất, thi công đảm bảo an toàn. Mô hình "3 tại chỗ" hoặc "4 tại chỗ" không thể áp dụng trong thời gian dài vì đây là nguồn lây nhiễm rất lớn. Người lao động sống len lỏi trong khu dân cư, bằng cách này hay cách khác họ cũng có thể ra được, rất khó kiểm soát chặt chẽ. Không nên đặt ra các tiêu chuẩn an toàn gây khó khăn và chi phí cao cho doanh nghiệp. Bộ Y tế cần nghiên cứu mô hình sản xuất an toàn chống dịch áp dụng cho doanh nghiệp sản xuất với các kịch bản khác nhau: kịch bản không có ca nhiễm; kịch bản có ca nhiễm.
Điều kiện để doanh nghiệp hoạt động là đảm bảo người lao động được tiêm vaccine đủ liều. Cần quy định việc thực hiện xét nghiệm định kỳ để xác định phương án sản xuất an toàn cho trường hợp không có ca nhiễm hoặc trường hợp có ca nhiễm.
Trường hợp không có ca nhiễm, doanh nghiệp đảm bảo 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế) theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Trường hợp có ca nhiễm sẽ triển khai phương án phong tỏa khẩn cấp, cách ly F1 và xét nghiệm. Việc cách ly có thể thực hiện theo hình thức tại 1 khu vực thuộc doanh nghiệp hoặc tập trung tại khu cách ly của địa phương. Doanh nghiệp cần có kế hoạch đăng ký hình thức cách ly với chính quyền địa phương để thuận tiện cho việc phối hợp khi xảy ra trường hợp ca nhiễm. Khu vực sản xuất có ca nhiễm và các khu vực có liên quan đến ca nhiễm sẽ bố trí sản xuất "3 tại chỗ". Các khu vực chưa có tiếp xúc vẫn hoạt động bình thường như trường hợp chưa có ca nhiễm.
Đối với lao động gián tiếp thuộc khối văn phòng của doanh nghiệp sẽ bố trí tối đa làm việc trực tuyến. Người lao động chỉ đến công ty khi thật sự cần thiết hoặc chỉ những vị trí không thể làm trực tuyến.
Đồng thời, các cuộc họp nội bộ, trao đổi với khách hàng sẽ chuyển toàn bộ sang họp trực tuyến. Hiện nay có rất nhiều công cụ họp trực tuyến miễn phí, doanh nghiệp và người dân dễ dàng sử dụng mà không tốn chi phí hoặc chi phí thấp. Việc chuyển đổi này chẳng những đảm bảo an toàn chống dịch mà góp phần tiết kiệm chi phí quản lý và tăng hiệu quả của các cuộc họp hơn nếu doanh nghiệp sử dụng thành thạo.
Các loại hình vui chơi, giải trí
Các khu vui chơi, giải trí, vận tải, dịch vụ du lịch,… có thể xem xét cho mở lại một số hoạt động có nguy cơ lây nhiễm thấp, nhưng vẫn phải đảm bảo điều kiện an toàn tránh lây nhiễm. Chính phủ cần ban hành danh mục một số hoạt động được phép hoạt động hoặc danh mục chưa được phép hoạt động trở lại. Đồng thời quy định chi tiết về điều kiện an toàn cụ thể khi hoạt động.
Chẳng hạn như các hoạt động karaoke, cà phê, vũ trường, bar, hớt tóc, vui chơi trẻ em… tiếp tục ngưng hoạt động. Các hoạt động còn lại được phép hoạt động trở lại nhưng đảm bảo điều kiện an toàn.
Điều kiện an toàn để hoạt động đối với các doanh nghiệp loại hình này cũng tương tự như doanh nghiệp sản xuất. Phải đảm bảo người lao động được tiêm vaccine đủ liều, thực hiện xét nghiệm định kỳ. Khách hàng cũng đảm bảo được tiêm vaccine đủ liều và thực hiện 5K. Trường hợp phát hiện ca nhiễm thì sẽ ngưng hoạt động và thực hiện cách ly theo phương án tại chỗ hoặc tập trung tại địa phương. Hết thời gian cách ly và xét nghiệm không còn ca nhiễm sẽ có thể xem xét hoạt động trở lại.
Chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại và giao hàng
Các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, và người giao hàng cho các đơn hàng trực tuyến… tiếp tục hoạt động tương tự như doanh nghiệp sản xuất: đảm bảo 5K, đã tiêm vaccine cho người lao động, xét nghiệm định kỳ. Có thể quy định thêm chỉ có người đã được tiêm vaccine mới đủ điều kiện đến các điểm mua sắm.
Việc bố trí, phân luồng, kiểm soát các biện pháp an toàn chống dịch ở các nơi mua bán này sẽ khá phức tạp. Cần xây dựng mô hình hoạt động chi tiết phù hợp với từng loại hình cụ thể để áp dụng thống nhất về lối vào, lối ra, bày trí hàng hoá, giao nhận hàng, thanh toán, giao tiếp khách hàng với người bán hàng,…
Tăng cường khuyến cáo người dân không dùng tiền mặt trong các giao dịch mua bán. Ở các đô thị lớn, phần lớn các điểm bán hàng đều được trang bị thiết bị thanh toán bằng thẻ tín dụng và tỷ lệ người dân có thẻ tín dụng cũng khá cao. Do vậy, việc này cũng dễ dàng thực hiện ở các đô thị lớn.
Phương án sống chung với dịch Covid-19 theo phương châm các hoạt động kinh tế thực hiện theo hướng hạn chế khả năng lây nhiễm bệnh. Do vậy, phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng, thay vào đó là mục tiêu tạo việc làm, thu nhập, phúc lợi cho người dân, và hạn chế thấp nhất các vấn đề xã hội phát sinh và tử vong do Covid-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ không có ý nghĩa nếu không tạo được việc làm, thu nhập và đảm bảo sức khoẻ cho đại bộ phận người dân.