Có thể lập các mô hình thí điểm về quản lý ATTP

Ngày 11-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo. 
Cơ quan chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ
Cơ quan chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã kiểm tra tại 443.178 cơ sở, phát hiện 81.115 cơ sở vi phạm, chiếm 21,6%. Đã có 7.546 cơ sở bị xử lý.
Cùng với áp dụng hình thức phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị xử phạt bổ sung và buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: 299 cơ sở bị đình chỉ hoạt động; 303 loại thực phẩm bị đình chỉ lưu hành; 659 cơ sở có nhãn phải khắc phục; 3.749 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm với 4.175 loại thực phẩm bị tiêu hủy do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Toàn quốc ghi nhận 73 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1.592 người mắc, 1.483 người đi viện và 16 trường hợp tử vong.
Đáng mừng là qua kiểm tra, tỷ lệ cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện ATTP đã tăng từ 91% (2016) lên 96,7% (2017).
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai các cuộc giám sát ATTP trong phạm vi toàn quốc, tập trung vào việc xử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản nông sản thực phẩm, vệ sinh an toàn trong giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là ở các thành phố lớn và các vùng sản xuất nông sản thực phẩm; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP.
Hà Nội, TPHCM hoặc các thành phố lớn có thể lập các mô hình thí điểm về quản lý ATTP tùy điều kiện địa phương. Các bộ ngành cần sớm có các văn bản hướng dẫn địa phương phân công đầu mối phụ trách ATTP ở xã, phường; cơ chế trang bị máy móc và thực hiện kiểm nghiệm thực phẩm…

Tin cùng chuyên mục