Cuối phiên họp sáng 10-6, Quốc hội đã thảo luận về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu. Nội dung này tiếp tục được Quốc hội thảo luận trong phiên họp chiều cùng ngày.
Các ý kiến đã phát biểu đều bày tỏ tán thành sự cần thiết đầu tư các dự án này.
Về dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, ĐB Chau Chắc (tỉnh An Giang) nhận định, chủ trương đầu tư dự án này nếu được Quốc hội thông qua sẽ thể hiện sự tiếp tục quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long.
ĐB giãi bày, sau hơn 16 năm xây dựng, nước ta đã đưa 1.163km đường cao tốc vào khai thác, đạt khoảng 18% so với quy hoạch. Tuy nhiên, mật độ đường cao tốc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thấp xa so với bình quân chung (bằng 20,5% so với cả nước), không đáp ứng được nhu cầu phát triển của vùng.
Theo đại biểu, dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là dự án rất quan trọng, cấp thiết, có tác dụng liên kết vùng, mở rộng không gian, lan tỏa lớn, có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo trong vùng và biên giới Tây Nam, mở rộng giao lưu quốc tế.
Để thực hiện tốt dự án, ĐB đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền cho các cấp, các ngành và người dân, nhất là người có đất liên quan đến dự án.
Bên cạnh đó, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quản lý, khai thác, vận hành dự án đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình đúng mục tiêu đề ra quản lý; sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra trục lợi chính sách; thất thoát, lãng phí, tham nhũng.
Ủng hộ mạnh mẽ chủ trương đầu tư 3 dự án trên, song ĐB Tạ Văn Hạ (tỉnh Quảng Nam) bày tỏ quan tâm đến nguồn lực đầu tư. “Tôi thấy còn rất phân vân”, ông Hạ phát biểu.
“Sóc Trăng và Hậu Giang, những tỉnh rất nghèo, thu ngân sách 4.000 tỷ đồng một năm, mỗi năm dự kiến cân đối để bỏ ra được 300 tỷ đồng đối ứng cho dự án này thì liệu có đảm bảo hay không?”, ông Hạ thắc mắc.
Theo ông, việc này cần phải tính kỹ để chia sẻ với các tỉnh khó khăn. “Với điều kiện này thì chắc chủ yếu dựa vào nguồn thu sau này từ đất, khi đường lên, sẽ thu từ đất để mà bù vào. Thế nhưng, có đường thì mới có đất, giải quyết có đất rồi mới làm đường. Phải có phương án sẵn”, ĐB Tạ Văn Hạ nói.
Thẳng thắn cho biết ông vẫn “chưa hiểu cơ sở pháp lý nào để Nhà nước bỏ ngân sách ra đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng rồi thu phí, hoàn lại tiền đã đầu tư công”, ĐB đề nghị làm rõ cơ chế này.
Đồng ý trao cơ chế chỉ định thầu, song ĐB Tạ Văn Hạ cho rằng cần rút kinh nghiệm khi chỉ định thầu “cần phải làm thật tốt, thật kỹ để tránh chuyện sau này lại tiếp tục phải xử lý hậu quả, đặc biệt đau đớn nhất là làm mất đội ngũ cán bộ".
Về giải pháp triển khai thực hiện, ĐB Triệu Thị Ngọc Diễm (tỉnh Sóc Trăng) đề nghị Quốc hội sớm thống nhất chủ trương tách riêng việc bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập trong quyết định đầu tư để giao cho các địa phương thực hiện đúng cam kết về mặt tiến độ cũng như bố trí vốn.
ĐB Triệu Thị Ngọc Diễm bày tỏ tin tưởng, các địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý, thi công các dự án lớn, do đó có thể chia dự án thành các dự án thành phần theo địa giới hành chính của các tỉnh, thành phố.
Từ một góc nhìn khác, ĐB Thạch Phước Bình (tỉnh Trà Vinh) đề nghị giao cho một địa phương làm đơn vị chủ trì để thực hiện dự án một cách thống nhất, hiệu quả hơn.
Lưu ý đến nguy cơ thiếu nguyên vật liệu thi công, ảnh hưởng tới tiến độ dự án, ông Thạch Phước Bình đề nghị quy định rõ trách nhiệm các địa phương có đường cao tốc đi qua phải giải quyết các điều kiện, thủ tục về giấy phép đối với các mỏ vật liệu theo quy định của pháp luật, đặc biệt là cho áp dụng cơ chế đặc thù giống như đối với các dự án của Hà Nội, TPHCM…