Làm thế nào để hình thành hệ sinh thái số lớn mạnh tại Việt Nam?
Hiện cả nước có 363 trang mạng xã hội trong nước. Các trang này cơ bản đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành.
Với mạng xã hội nước ngoài, Facebook và Youtube là 2 mạng có đông người dùng Việt Nam sử dụng nhất với gần 90 triệu thành viên (tính đến 30-9-2017, Facebook có khoảng 53 triệu thành viên, Youtube có khoảng 35 triệu thành viên tại Việt Nam). Như vậy, người dùng mạng xã hội Việt Nam chủ yếu dùng mạng xã hội nước ngoài.
Tuy nhiên, các thông tin tiêu cực như xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá nhà nước... chủ yếu tồn tại trên các mạng xã hội nước ngoài do nhận thức của người sử dụng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm, gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân.
Tại Việt Nam, từ 2008 đã có một số trang như Bamboo, Xalo, Zingme được kỳ vọng có thể thay thế được các trang mạng nước ngoài. Nhưng sau khi hoạt động được một thời gian, do tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh và do chính sách hỗ trợ đặc biệt của nhà nước, nên Bamboo và Xalo đã phải đóng cửa sau 2 năm. Hiện chỉ có Zingme còn tồn tại nhưng càng ngày càng tụt hậu cả số lượng, người sử dụng. Nếu so với Facebook, Google thì rất thấp. Dù Zingme đã phát triển sang Zalo, mạng có số người Việt Nam sử dụng nhắn tin nhiều nhất nhưng so với 2 mạng kia vẫn rất thấp.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói: “Để hình thành được hệ sinh thái số lớn mạnh tại Việt Nam thì cần có một số cơ chế chính sách, với điều kiện ưu tiên đồng bộ cả thuế, tài chính, giảm thủ tục hành chính, có chính sách ưu tiên đặc biệt để quản lý thông tin hỗ trợ các DN số trong nước phát triển. Lúc đó mới có cơ sở tin tưởng rằng các DN Việt Nam có thể xây dựng các sản phẩm thay thế được Youtube, Facebook trong 5-7 năm tới”.
Cũng theo Bộ trưởng TT-TT, để làm được điều này, các DN phải tập trung xây dựng 4 mảng dịch vụ lớn, xây dựng mô hình 4 nhà: nhà mạng viễn thông, nhà mạng hỗ trợ, nhà quảng cáo trong nước, nhà phát triển tập trung trong nước.
"Chỉ khi tập trung xây dựng tốt mô hình 4 nhà đó mới hy vọng xây dựng được hệ sinh thái số Việt Nam để thay thế 2 mạng lớn là Facebook và Google. Đây là vấn đề rất khó vì thói quen của người dùng và sự tương tác rất lớn 2 nhà mạng trên rất lớn”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận định.
Hội nghị APEC 2017: Phát hiện 27 cuộc tấn công mạng
Trả lời chất vấn của các ĐB về vấn đề an ninh mạng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận tình trạng tấn công mạng ngày càng phổ biến, dẫn tới lộ, lọt thông tin và thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức.
Tại Việt Nam từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 11.000 vụ tấn công mạng dưới các hình thức khác nhau. Riêng tại Hội nghị APEC, phát hiện 27 cuộc tấn công có chủ đích vào hệ thống máy chủ, trung tâm báo chí; 17 lỗ hổng được phát hiện và hàng nghìn cuộc có nguy cơ tấn công.
Bộ trưởng cho rằng, phải xác định đây là trách nhiệm của tất cả mọi người, mỗi gia đình và tổ chức. Về công tác quản lý sim, hạn chế sim rác, Bộ trưởng cho biết đã cố gắng xử lý triệt để vấn đề này.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn: Bộ trưởng có trả lời là không gọi là báo chí chính thống, vì không có quan điểm báo chí không chính thống. Tuy nhiên, trong báo cáo của Bộ TT-TT có viết nội dung thông tin trên mạng hiện nay được cung cấp bởi 2 nguồn, thứ nhất từ các cơ quan chính thống (báo chí in, báo chí điện tử, phát thanh truyền hình).
Trả lời ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, nói đến báo chí là nhằm chỉ rõ những cơ quan báo chí được cấp phép theo đúng quy định của pháp luật, báo chí là phải có tôn chỉ mục đích hoạt động.
“Nói như vậy sẽ phân biệt được các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội không được được cấp phép, không có tôn chỉ mục đích hoạt động thì không xem đó là báo chí. Bởi ngay thông tin trên các trang mạng xã hội là không đủ tin cậy và không có cá nhân, tổ chức quản lý, chịu trách nhiệm thông tin trên đó”, Bộ trưởng nói.
Vì vậy, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn xin lỗi ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy vì đúng là trong báo cáo có dùng từ báo chí chính thống.
“Tất cả chúng ta phải phân biệt báo chí với mạng xã hội, chứ không phải báo chí chính thống và báo chí không chính thống. Chính vì vậy trong báo cáo của tôi cũng có cái sai, xin lỗi ĐB Thuý như vậy”, Bộ trưởng nói.
Chủ tịch Quốc hội: Xử lý nghiêm vi phạm qua mạng xã hội
Kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT, vẫn còn 24 ĐB chưa được chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn do hết thời gian. Chủ tịch Quốc hội đánh giá,Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng trả lời trước Quốc hội nhưng đã nắm chắc tình hình, trả lời thẳng thắn, phần trả lời của Bộ trưởng và Phó Thủ tướng cơ bản nhận sự hài lòng của ĐBQH.
Quốc hội đề nghị Chính phủ triển khai chương trình ứng dụng CNTT giai đoạn 2016-2020; xây dựng hạ tầng CNTT gắn với tinh giản biên chế, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử. Phấn đấu đến hết 2018, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3,4.
Sớm triển khai đề án quy hoạch, quản lý báo chí. Thông tin báo chí cần khách quan, chính xác, kịp thời; chủ động đấu tranh các thông tin xấu, độc hại, xuyên tạc. Kiểm tra các chương trình phát thanh truyền hình không phù hợp, nhất là với trẻ em. Xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động báo chí. Chấn chỉnh quảng cáo sai sự thật. Quản lý sim rác hiệu quả. Tăng cường quản lý thông tin xấu độc, phản cảm trên mạng xã hội. Xây dựng và triển khai bộ quy chế ứng xử cho các nhà cung cấp mạng, hướng tới môi trường mạng lành mạnh, an toàn ở Việt Nam.
Làm tốt công tác quản lý Nhà nước về Internet, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật qua mạng xã hội.
Có thái độ rõ ràng hơn với các mạng xã hội nước ngoài
Phó Thủ tướng cho rằng, mạng xã hội là xu thế tất yếu toàn cầu. 67% người dân Việt Nam sử dụng Internet, 60% số đó dùng mạng xã hội. Nhưng thị trường này ở Việt Nam 95% mạng xã hội là của công ty nước ngoài. 98% công cụ tìm kiếm, thư điện tử cũng của nước ngoài với Yahoo và Gmail. 80% thương mại điện tử của nước ngoài. Cái mà chúng ta còn giữ được là trò chơi điện tử với thị phần là 60%. Quảng cáo của Facebook và Youtube là 60%. Riêng tiền quảng cáo năm vừa qua của họ là 350 triệu USD.
"Do đó, chúng ta cần có thái độ kiên quyết hơn. Các nước đều quản chặt, như Trung Quốc hoàn toàn dùng mạng của họ. Ở Hàn Quốc, Facebook cũng chỉ đứng thứ 7. Quan trọng là các nước tạo ra nhà cung cấp khác để tránh độc quyền, ngoài ra dùng biện pháp kỹ thuật, chặn, lọc khi cần thiết.
Phó Thủ tướng cho biết, ngay giờ giải lao sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ TT-TT và các bộ ngành có thái độ rõ ràng hơn với các mạng xã hội nước ngoài, tạo điều kiện cho họ phát triển nhưng phải bảo đảm an ninh trật tự xã hội, thuần phong mỹ tục Việt Nam...
Về vấn đề an ninh mạng, Phó Thủ tướng dẫn hàng loạt số liệu để chỉ ra an toàn thông tin Việt Nam đang thứ 100, ở mức trung bình yếu trên thế giới, đáng chú ý là ý thức và hành vi của người dân thì thuộc loại yếu nhất.
Tán phát thư rác từ Việt Nam là số 1 thế giới, đứng trên cả Mỹ và Trung Quốc. Tỉ lệ lây nhiễm qua cả thiết bị cá nhân ở Việt Nam cũng là cao nhất thế giới. Trong đó có về hành vi, ý thức của người dân thì Việt Nam vào loại yếu nhất thế giới. 60% số người dân ở các nước nhận ra nguy cơ lây nhiễm mã độc, nhưng chỉ hơn 10% người dân Việt Nam nhận ra.
Về xây dựng Chính phủ điện tử đang được tiến hành tích cực nhưng chúng ta hiện vẫn đang đứng vị trí 89 trong số 113 nước. Các tiêu chí hạ tầng, nguồn nhân lực, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đều còn rất hạn chế và cần phải làm tốt hơn. Về dịch vụ công trực tuyến, tính đến tháng 7 năm nay, chúng ta có 109.644 dịch vụ công, trong đó, 95% là nằm ở cấp tỉnh, nằm ở cấp bộ là 5%.
Mặc dù giao kế hoạch rất cụ thể nhưng đến tháng 7 mới có 1% số dịch vụ công được cung cấp ở cấp độ 4 (mức cao nhất), tức là kèm theo thanh toán. 5% số dịch vụ ở cấp độ 3 tức là người dân lấy mẫu ở trên mạng được còn sau khi nhận kết quả và thanh toán thì phải đến trực tiếp.
Quyết tâm của chúng ta là phải ứng dụng CNTT để xây dựng Chính phủ điện tử, không chỉ là để tiết kiệm biên chế, thời gian, tiền bạc mà quan trọng nữa là tạo môi trường minh bạch, công khai, chống tiêu cực.
Phó Thủ tướng cho rằng, tiền chưa có nhiều nhưng vẫn có thể làm tốt hơn, nếu chúng ta không ngại đổi mới. Ngoài ra còn một bộ phận ngại ứng dụng CNTT vì không muốn công khai.
"Cái ngại thứ nhất mà nhiều người cho rằng nếu sử dụng công nghệ thông tin sẽ mất quyền kiểm soát của mình, công việc của mình. Ngại thứ hai là còn một số bộ phận ngại công khai minh bạch, nếu ứng dụng áp dụng công nghệ thông tin vào công việc thì coi như là mình bị giám sát", Phó Thủ tướng nói.
Tâm lý nữa là muốn tự làm hết, muốn mua máy tính, phần mềm mà không muốn thuê dịch vụ, như thế sẽ rất lãng phí. Quan điểm của Chính phủ là kiên quyết thuê dịch vụ CNTT. Phải làm quyết liệt hơn nữa.