Tại buổi làm việc, bà Bùi Thị Minh Nguyệt, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho biết trong tổng số 173 cơ sở giáo dục mầm non đang hoạt động trên địa bàn quận, có 22 trường mầm non công lập, 48 trường mầm non tư thục và 103 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.
Ngoài ra, địa phương còn có 109 hộ giữ trẻ gia đình đã thực hiện cam kết với UBND phường về điều kiện nuôi giữ và chăm sóc trẻ, đang thực hiện nuôi giữ 545 trẻ với ít hơn 7 trẻ/cơ sở.
Như vậy, hệ thống ngoài công lập hiện đang đáp ứng gần 55% nhu cầu gửi trẻ của người dân trên địa bàn. Riêng về yêu cầu lắp đặt camera tại các cơ sở, nhóm lớp ngoài công lập theo chủ trương chung của UBND TP, Gò Vấp hiện có 145/173 cơ sở đã gắn camera, chiếm tỷ lệ 83,81% cơ sở ngoài công lập.
Về những khó khăn đang gặp phải, đại diện Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp cho biết, hiện nay nhân sự quản lý mầm non ngoài công lập của phòng và UBND 16 phường phải kiêm nhiệm nhiều công việc, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Qua kiểm tra cho thấy, nhiều cơ sở hiện nay có cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu sân chơi ngoài trời cho trẻ, một số cơ sở thu nhận trẻ vượt quá số lượng, nhận thêm trẻ không đúng độ tuổi theo quyết định được cấp phép hoạt động.
Một vài hộ giữ trẻ gia đình cam kết giữ dưới 7 trẻ nhưng vẫn nhận thêm trẻ ngoài giờ vào buổi tối theo nhu cầu của phụ huynh.
Bên cạnh đó, hiện nay UBND TPHCM đã quy định kinh phí bồi dưỡng đối với giáo viên ngoài công lập nhưng chỉ mới áp dụng đối với các cơ sở là trường mầm non (quy mô trên 50 trẻ/cơ sở), chưa có quy định đối với các nhóm lớp ngoài công lập (nuôi giữ ít hơn 50 trẻ/cơ sở); do đó, công tác bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ giáo viên còn gặp nhiều khó khăn.
Thu nhập của giáo viên ở một số nhóm lớp chỉ khoảng 5 triệu đồng/người/tháng nên thiếu sức thu hút, đội ngũ thường xuyên biến động, gây ảnh hưởng chất lượng chăm sóc trẻ.