
Năm học mới đến gần, áp lực học sinh (HS) tăng khiến trường lớp nhiều nơi trở nên quá tải. Bên cạnh những phòng học mới được đưa vào sử dụng trong năm học này thì nhiều công trình vẫn ở giai đoạn chờ hoàn thành hoặc còn… nằm trên giấy.
Trường... trên dự án
Năm nào ngành GD-ĐT TPHCM cũng lâm vào tình trạng thiếu chỗ học cục bộ hoặc sĩ số quá tải do tăng dân số cơ học. Đặc biệt, năm nay, số lượng HS vào lớp 1 tăng nhiều so với mọi năm càng tạo thêm nhiều sức ép đối với những quận đông dân như Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Tân…
Quận Thủ Đức là “điển hình” của khó khăn về cơ sở vật chất. Do địa thế vùng ven và tập trung nhiều nhà máy nên lượng HS Thủ Đức ngày càng đông. Theo dự kiến, năm học này, quận có 7 trường mới với 66 phòng đưa vào sử dụng.
Nhưng hiện nay chỉ có Trường THCS Bình Chiểu (10 phòng) kịp đón HS vào đầu năm học. Những công trình còn lại như Mầm non Linh Xuân, Tiểu học Linh Tây, Nguyễn Văn Lịch, Bình Quới, Thái Văn Lung, Linh Xuân… có khả năng phải chờ 1-2 tháng sau tựu trường mới có thể hoàn thành.
Tương tự, một số trường ở các khu vực khác cũng không kịp đưa vào sử dụng đầu năm học như: Tiểu học Ngôi sao nhỏ (Bình Tân), Tiểu học Châu Văn Liêm (quận 6), THCS Tân Thạnh Đông (Củ Chi), THPT Giồng Ông Tố (quận 2)…
Bên cạnh những trường chưa xây xong, một số công trình mới được khởi công xây dựng vào tháng 6-2009 như THCS Ngô Chí Quốc (Thủ Đức), THCS Khánh Hội A (quận 4)... nên chắc chắn không thể đón HS ngay năm học này.

Ngày tựu trường cận kề, mà trường lớp vẫn còn ngổn ngang. Ảnh chụp lúc 16 giờ 25 phút ngày 14-8 tại Trường Tiểu học Châu Văn Liêm, quận 6 TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Công trình nổi tiếng chậm thi công là Trường THPT Hiệp Bình (Thủ Đức), sau nhiều năm bỏ hoang, cỏ mọc xanh rì, “hứa hẹn” tháng 10-2009, sẽ khởi công trở lại nhưng thầy trò của trường cũng chưa biết công trình trường mình khi nào mới xong.
Còn dự án xây Trường THPT Tây Thạnh (Tân Phú) mấy năm qua vẫn còn nằm trên giấy do kinh phí tăng từ 57 tỷ đồng lên hơn 82,5 tỷ đồng. Huyện Hóc Môn cũng có 3 công trình trường tiểu học: Mỹ Hòa, Thới Thạnh, Tây Bắc Lân và Mầm non Bà Điểm sẽ khởi công vào đầu năm học này, nếu không có gì… trục trặc vào giờ chót!
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2009 - 2010, TPHCM dự kiến hoàn thành 51 dự án trường học, đưa vào sử dụng 632 phòng học với tổng kinh phí đầu tư những dự án trên là 657,147 tỷ đồng (tăng hơn 32% so với năm học trước. Trong đó, mầm non 98 phòng, tiểu học 292 phòng, THCS 122 phòng, THPT 95 phòng, Trường Chuyên biệt 18 phòng, Trường Bồi dưỡng Giáo dục 7 phòng).
Nhưng trái ngược với báo cáo lạc quan của ngành GD-ĐT, số công trình kịp đưa vào sử dụng đầu năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Quận Tân Phú hoàn thành Trường Tiểu học Âu Cơ với 25 phòng; quận Gò Vấp đang tăng tốc dứt điểm 3 công trình Trường Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền, Trần Quốc Toản, Võ Thị Sáu.
Phải tự khắc phục!
Trong hoàn cảnh chưa được “an cư”, thiếu thốn mọi bề, thầy và trò nhiều trường phải tự bươn chải.
Trường THPT Tây Thạnh được gấp rút xây thêm 12 phòng tạm cho số HS lớp 10 mới năm nay, nâng tổng số phòng tạm lên 22. Trong các phòng học thô sơ bằng vách tôn, mái tôn, quạt máy không xua tan được cái nóng hừng hực. Nhà trường phải “chống nóng” bằng cách trồng thật nhiều cây xanh giữa các dãy phòng và lắp đặt hệ thống phun nước trên mái.
Phòng học cho lớp ngoại khóa như lớp nghề hay tăng tiết không đủ, nhà trường phải tận dụng thêm hành lang làm phòng học, với bảng… dựa vào tường. Phòng thí nghiệm cũng không có, thầy cô chỉ có thể làm mẫu trên lớp cho HS xem. Các phòng chức năng: y tế, thư viện, văn thư, giáo viên, ban giám hiệu... được ghép chung với nhau trong diện tích cỡ 2 lớp học.
Ông Lê Văn Anh, Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Chúng tôi sẽ lưu lại hình ảnh HS ngồi học ở hành lang cho những thế hệ sau biết được “lớp trước” đã vất vả như thế nào”.
Cũng trong tình trạng trường học đang thi công, HS Trường THCS Khánh Hội A, quận 4 tiếp tục bị “chia ba” ở Trường Tiểu học Vĩnh Hội, Trung tâm Tổng hợp hướng nghiệp quận 4 và Trường THCS Chi Lăng.
Bà Trần Thị Minh Thi, Hiệu trưởng nhà trường, than: Những ngày đầu dời đến Trung tâm Tổ hợp hướng nghiệp quận 4, chưa mượn được chỗ làm văn phòng nên thầy cô phải ra ngồi ngoài hành lang các giờ không lên lớp. Sau khi được giao thêm 1 phòng, nhà trường gói ghém “tất cả trong 1” từ ban giám hiệu, giáo viên (GV), văn thư, thiết bị, tài vụ...Việc xếp thời khóa biểu cũng rất đau đầu để làm sao hạn chế tình trạng GV phải chạy như thoi đưa qua lại giữa 3 nơi.
Hiểu nỗi vất vả của người thầy, nhà trường phải có chế độ phụ cấp xăng cho mỗi GV từ 30.000 - 45.000 đồng/tháng. Đó chỉ là một phần nhỏ bé mang ý nghĩa tượng trưng vì khó có thể bù đắp nhiều nỗi ngậm ngùi cho GV và HS của trường đang trong cảnh tạm bợ.
Trong đó có một nỗi ngậm ngùi khó nói là: “Lễ khai giảng nào cũng phải đợi trường người ta làm xong hết mới đến lượt mình, nhưng cả GV lẫn HS đều nỗ lực trong suốt 2 năm qua. Đó là niềm tự hào lớn của nhà trường”, bà Trần Thị Minh Thi nói
VÕ DIỄM - THÚY AN