Chung tay vì cộng đồng
Sáng sớm ngày 4-5, nhóm thiện nguyện chùa Hải Quang (quận Tân Bình, TPHCM) với các nhà sư trẻ và phật tử hướng về huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Hai chiếc xe tải chất đầy 400 bình nước, loại bình 20 lít. Thượng tọa Thích Đạt Đức, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Tân Bình, trụ trì chùa Hải Quang, cho biết, chỉ trong một tuần, chùa đã tổ chức hai đợt mang nước ngọt về cho bà con vùng khô: “Chúng tôi mong góp một phần sức của mình để cùng với chính quyền, xã hội giúp bà con trong cảnh khó nhất thời này”.
Chị Đặng Minh Phương, một thành viên của nhóm, chia sẻ: “Các bạn trong nhóm rất tích cực lên đường. Những người đóng góp dù có trực tiếp tới nơi hay bận việc lỡ chuyến cũng trong đều mong muốn góp chút gì cho mọi người”. Chỉ tính từ đầu tháng 5 đến nay, đã có nhiều cuộc “xuất quân giao nước”, điển hình như Linh Quang tịnh xá (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tặng 1.000 lốc nước suối miễn phí đến các hộ dân tại xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre vào ngày 3-5. Cùng ngày này, Cơ sở từ thiện xã hội Phật giáo chùa Kỳ Quang 2 cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Gò Vấp (TPHCM), Hội đông y quận Gò Vấp, Đạo tràng Vạn Đức, nhóm Phước Huệ song tu cùng nhau hỗ trợ nước sạch cho 500 hộ dân ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang; chùa Di Đà (TX Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đã chia sẻ trên 500 bình nước suối (loại bình 21 lít) đến xã Vĩnh An, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre…
Có mặt tại huyện Ba Tri, Bến Tre để chuyển nước, ông Huỳnh Bảo Quốc, thành viên Ban đại diện Phật giáo Hòa Hảo TPHCM, chia sẻ, những chuyến đi bằng xe, rồi sà lan hơn một tháng nay do nhóm của ông thực hiện lần lượt qua 3 tỉnh, khởi đầu là Long An, rồi Tiền Giang và Bến Tre. Mỗi nơi nhóm trao tặng số lượng nước khác nhau, tùy vào sự vận động ở thời điểm đó. Người bác sĩ đông y này đã tạm ngưng công việc để cùng đi làm thiện nguyện vì “trót” theo từ những ngày đầu. “Ở các nơi, thật ấm lòng khi thấy các bạn đoàn viên thanh niên hay chiến sĩ công an, dân quân tự vệ nhiệt tình giúp phân phát nước uống đến người dân. Tôi nghĩ đây là lúc rất cần thiết để các tôn giáo cùng bắt tay vào việc chung với xã hội. Nhìn các em nhỏ cười vui vẻ đã thấy lòng ấm lại rồi”, ông tâm sự. Với ông, niềm vui trong hành trình này còn là khi bất chợt nhìn thấy những người đồng đạo từ An Giang, Tiền Giang…, trên các chiếc xe của họ cũng chở đầy nước.
Cho đi và nhận lại
Tại miền Tây, một số khu vực đã có mưa nhỏ. Cơn mưa giải tỏa tâm lý đợi mong của bao người trước đợt nắng nóng gay gắt kéo dài. Mỗi ngày, ngay từ sớm, thời tiết đã oi bức, nền nhiệt vượt 40 độ C. Tuy nhiên, lượng mưa xem ra vẫn ít ỏi. Linh mục Nguyễn Minh Phụng, phụ trách giáo xứ thánh Phaolô, giáo phận Mỹ Tho với địa bàn thuộc xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, cách biển chỉ 10km, cho hay: “Ở chỗ chúng tôi vẫn trông mưa từng ngày”.
Theo kinh nghiệm, linh mục Nguyễn Minh Phụng cho biết, khu vực này mưa hàng năm thường đến chậm hơn các vùng sâu trong đất liền khoảng 1-2 tuần. Vì vậy, nguồn nước “cứu” bà con trong mùa hạn hán hiện tại là hệ thống lọc nước và các bồn chứa đặt tại nhà thờ giáo xứ. “Hàng ngày bà con trong xã đều tới đây lấy nước. Chính quyền xã khi có đợt nước cứu trợ thì đưa xuống để tất cả cùng có mà dùng. Thật may vì giáo dân, dòng tu từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đã không ngại đưa xe chở nước về”, linh mục Nguyễn Minh Phụng bày tỏ.
Linh mục Nguyễn Minh Phụng cảm động trước tình cảm, sự tương trợ của những người gần xa, đồng thời lý giải: “Trong số những đoàn từ các dòng tu, xứ đạo ở vùng khác về giúp, có những người từng được bà con vùng Phú Đông giúp. Tôi nhớ hồi đại dịch Covid-19, khi TPHCM thực hiện cách ly cộng đồng, chính người dân quê ở đây đã gởi hàng tấn rau củ lên hỗ trợ. Có lẽ vì đã từng gieo, nên bây giờ gặt”. Theo linh mục, nhu cầu nước sinh hoạt của người dân trong khu vực giáo xứ đã được giải quyết tạm ổn nhờ sự cứu trợ kịp thời của đồng bào tôn giáo các nơi, chung sức với chính quyền sở tại. Đó là các câu chuyện, hình ảnh bắt gặp ở một vài nơi chốn của các cơ sở, đơn vị tôn giáo trong công tác trợ giúp nước ngọt. Như tôn chỉ cao đẹp của tôn giáo mình, nhiều tín đồ đã chủ động cùng cơ quan, đoàn thể địa phương tham gia dồn sức chống lại cơn hạn mặn khắc nghiệt.