Những dòng kênh có màu… xanh, tím, đỏ
Từ phản ánh của người dân, phóng viên Báo SGGP trực tiếp đến rạch Cầu Suối đoạn qua ấp 14 (ấp 2A cũ), xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM để ghi nhận tình trạng ô nhiễm nguồn nước và không khí tại đây. Từ đường Liên ấp 2-6 quẹo vào đường Rạch Cầu Suối, chúng tôi đã hít phải mùi hôi của hóa chất.
Càng đi sâu vào trong, mùi hóa chất càng nồng nặc. Người dân qua lại khu vực này, ai nấy đều bịt mũi, chạy xe thật nhanh để hạn chế hít phải không khí ô nhiễm. Theo quan sát của phóng viên, trên đường Rạch Cầu Suối, đoạn cách nút giao với đường Liên ấp 2-6 (hướng về xã Vĩnh Lộc B) khoảng 500m có 3 cơ sở giặt sấy công nghiệp, dệt nhuộm đang hoạt động. Bên trong các cơ sở này, máy móc phát ra âm thanh lớn, khói đen kèm mùi hóa chất từ các ống khói liên tục tỏa ra xung quanh.
Chỉ tay về phía các cơ sở dệt nhuộm trên, ông Hà Văn Cùng (nhà ở ấp 14, xã Vĩnh Lộc A) ngán ngẩm nói: “Chúng tôi quá khổ sở với các cơ sở dệt này. Cứ mở cửa ra là mùi hóa chất xộc vào nhà. Hít suốt, trong nhà ai cũng bị ho, chóng mặt. Chịu không nổi, tôi rao bán nhà nhiều tháng nay, nhưng ai tới xem nhà cũng bỏ đi vì thấy không khí ô nhiễm”.
Không chỉ gây ô nhiễm không khí, người dân địa phương cho biết các cơ sở giặt sấy công nghiệp, dệt nhuộm trên đường Rạch Cầu Suối (tổ 14, xã Vĩnh Lộc A) còn xả nước thải có nhiều màu sắc ra rạch. Theo quan sát của phóng viên những ngày gần đây, rạch Cầu Suối đoạn trước các cơ sở dệt nhuộm có 3 cống xả nước thải màu xanh dương đậm và 1 cống xả nước thải màu tím ra rạch.
Bà Trần Thị Hường, nhà trên đường Rạch Cầu Suối (xã Vĩnh Lộc A), bức xúc: “Nước thải lúc thì màu xanh, khi thì màu tím, đỏ. Ngày thường, các cơ sở xả nước thải ra rạch vào ban đêm. Còn thứ 7, chủ nhật thì các cơ sở này xả nước thải vào sáng sớm hoặc buổi trưa. Tình trạng trên tồn tại nhiều năm nay, mỗi lần phát hiện, chúng tôi báo lên xã, cán bộ xã có xuống kiểm tra, nhưng sau đó mọi việc vẫn đâu vào đấy”.
Tại tỉnh Long An, người dân xã Tân Đông (huyện Thạnh Hóa) phản ánh, nhiều tháng qua, nước thải có màu đen ngòm từ Công ty TNHH An Hưng Nông (chuyên sản xuất phân bón) ở ấp 3, xã Tân Đông liên tục thải ra kênh La Khoa và một số rạch trên địa bàn. Hậu quả là môi trường bị ô nhiễm, nước kênh nhiễm hóa chất tràn vào ruộng vườn làm chết rau màu.
Ông Huỳnh Văn Tựu, ở ấp 2, xã Tân Đông (huyện Thạnh Hóa), nói: “Mỗi lần chúng tôi phản ánh, địa phương cho lực lượng kiểm tra, phía doanh nghiệp đem vôi xuống rải trên mặt ruộng và hứa sẽ khắc phục, tuy nhiên được một thời gian thì tình trạng ô nhiễm tái diễn”.
Có kiểm tra, xử lý, nhưng…
Mang bức xúc của người dân xã Tân Đông (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An), phóng viên Báo SGGP đến gặp ông Phạm Tùng Chinh, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa. Ông Phạm Tùng Chinh cho biết: Liên quan đến nước thải ô nhiễm do chi nhánh Công ty TNHH An Hưng Nông thải, chính quyền địa phương đã phối hợp với cơ quan chức năng lấy mẫu phân tích.
Kết quả cho thấy thông số pH vượt 2.121 lần; COD vượt 2.514 lần; chất rắn lơ lửng vượt 96,1 lần; tổng nitơ vượt 3,3 lần; tổng phốtpho vượt 44,9 lần; amoni vượt 4,4 lần; sunfua vượt 1,18 lần… so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp; lưu lượng nước thải khoảng 3-4m3/ngày. Chính quyền địa phương đã ban hành quyết định xử phạt doanh nghiệp nói trên số tiền 315 triệu đồng vì xả thải vượt quy chuẩn cho phép.
Ngày 3-8, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH An Hưng Nông. “Ngoài xả thải gây ô nhiễm môi trường, Công ty TNHH An Hưng Nông còn vi phạm về xây lắp công trình xử lý chất thải và một số công trình khác. Hiện chính quyền địa phương đang theo dõi, thực hiện các thủ tục để xử lý dứt điểm các vi phạm này. Đồng thời, buộc doanh nghiệp nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi xây lắp không đúng công trình xử lý chất thải theo quy định”, ông Phạm Tùng Chinh thông tin.
Liên quan đến tình trạng xả nước thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường do các cơ sở giặt sấy công nghiệp, dệt nhuộm trên đường Rạch Cầu Suối (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM) gây ra, đại diện lãnh đạo UBND xã Vĩnh Lộc A cho hay, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiểm tra và xử phạt hành chính về hành vi gây ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở này. Chủ các cơ sở trên có hứa khắc phục, không tái diễn. Tuy nhiên, trước phản ánh của Báo SGGP, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục kiểm tra, xử lý.