Theo đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TPHCM chỉ được hoạt động khi đã đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện đảm bảo ATTP và các quy định liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19:
Tiêu chí 1: Có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (trừ các cơ sở được quy định tại Điều 12. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm).
Tiêu chí 2: Đảm bảo điều kiện ATTP tại cơ sở phải thực hiện đúng theo quy định.
Tiêu chí 3: Người lao động, người đến cơ sở (người giao nhận hàng, khách hàng, người liên hệ cơ sở,...) phải thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Tiêu chí 4: Cơ sở kinh doanh phải có biện pháp kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn ngành y tế đối với người lao động và người ra vào cơ sở.
Tiêu chí 5: Cơ sở phải bố trí khu vực giao nhận sản phẩm, có bàn trung chuyển và tách biệt với các khu vực khác; đảm bảo khoảng cách giữa 2 người tối thiểu là 2m. Trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay và có phương tiện làm khô tay hoặc khăn làm khô tay sử dụng 1 lần.
Tiêu chí 6: Cơ sở có xây dựng kế hoạch và các phương án phòng chống dịch Covid-19, khu vực ăn uống phải đảm bảo mật độ tối thiểu 4m2 /người, khoảng cách giữa 2 người tối thiểu là 2m hoặc bố trí vách ngăn.
Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đạt tất cả các tiêu chí từ 1 đến 5 mới được phép hoạt động. Tiêu chí 6 áp dụng đối với cơ sở có phục vụ ăn uống tại chỗ (cơ quan, doanh nghiệp có tổ chức ăn, uống tại chỗ cho nhân viên).
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM cũng ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh thực phẩm tại siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TPHCM.
Theo đó, cơ sở kinh doanh thực phẩm tại siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TPHCM chỉ được hoạt động khi đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện về đảm bảo ATTP và các quy định liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19:
Tiêu chí 1: Có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (trừ các cơ sở được quy định tại Điều 12. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm).
Tiêu chí 2: Đảm bảo điều kiện ATTP tại cơ sở phải thực hiện đúng theo quy định (về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, bảo quản, vận chuyển, nguồn gốc nguyên liệu, các chứng từ liên quan,...).
Tiêu chí 3: Khu vực kinh doanh trong cơ sở phải đảm bảo mật độ tối thiểu 4m2 /người và khoảng cách giữa 2 người tối thiểu là 2m (bao gồm nhân viên của cơ sở).
Tiêu chí 4: Các cơ sở phải bố trí khu vực giao - nhận sản phẩm, có bàn trung chuyển; đảm bảo khoảng cách giữa 2 người tối thiểu là 2m và phải tuân thủ nguyên tắc 5K. Trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay và có phương tiện làm khô tay hoặc khăn làm khô tay sử dụng 1 lần.
Tiêu chí 5: Người lao động, người đến cơ sở (người giao nhận hàng, khách hàng, người liên hệ cơ sở,...) phải thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng chống dịch Covid-19 (tiêm ngừa vaccine, thực hiện xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, thông báo với các trường hợp tiếp xúc với F0 hoặc F1...).
Đối với các hoạt động kinh doanh thực phẩm tại siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố phải đạt 5/5 tiêu chí.
Chiều 22-10, trao đổi với phóng viên báo SGGP, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, thời điểm này, TPHCM đã "bình thường mới" và dịch vụ ăn uống là một nhu cầu rất cấp thiết, tạo công ăn việc làm, giúp các doanh nghiệp bớt thiệt hại, phục vụ nhu cầu người dân,… Tuy nhiên, cần phải đảm bảo các tiêu chí về an toàn phòng chống dịch, các hàng quán phải đáp ứng các tiêu chí về an toàn theo Bộ tiêu chí của UBND TP. Bên cạnh đó, ý thức của người dân cũng rất quan trọng trong việc bảo vệ chính mình. |