Cơ sở để không bỏ sót người có đức, có tài

Trong lúc Đảng ta đang chuẩn bị tiến tới đại hội Đảng các cấp, việc thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, còn là cơ sở để đánh giá, lựa chọn cán bộ vào các cấp ủy. Điều này góp phần làm cho công tác tổ chức, công tác cán bộ được tốt hơn. Người được lựa chọn, được cử vào các cơ quan lãnh đạo thực sự phải có đủ tâm, đủ tầm, đủ uy tín.

Nhân sự kiện Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TPHCM về vấn đề đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

*Đồng chí PHẠM CHÁNH TRỰC, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM: Luôn luôn học tập, làm theo Bác Hồ

Một trong những vấn đề cốt lõi trong tác phẩm “Đường cách mệnh” của Bác chính là đạo đức cách mạng. Như thế, ngay từ đầu, Bác đã đặt vấn đề đạo đức cách mạng là gốc, là vấn đề cơ bản của cách mạng. Và sau này, Bác Hồ cũng đã nhiều lần nhắc đến đạo đức cách mạng trong các cuộc nói chuyện với cán bộ, đảng viên.

IMG_3474.jpeg
Đồng chí Phạm Chánh Trực. Ảnh: VĂN MINH

Người không chỉ nêu ra và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng, rèn luyện những phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính” và hướng lòng mình đến “chí công vô tư” để phụng sự Tổ quốc và Nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải là người yêu nước, thương dân, tự nguyện tự giác phục vụ cho lý tưởng cao đẹp, vì mọi người, vì dân tộc, vì giai cấp, vì con người.

Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng mỗi cán bộ, đảng viên phải lấy đạo đức cách mạng làm gốc. Quy định 144 ra đời là rất kịp thời, đúng lúc và rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay để góp phần đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn mới. Yêu cầu đặt ra là từng cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt Quy định 144 đi vào cuộc sống.

Bác Hồ chính là hiện thân của những phẩm chất cao quý đó. Cho nên, tấm gương của Bác là tấm gương rất sáng và cán bộ, đảng viên phải luôn luôn học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Và tôi tin tưởng, đội ngũ cán bộ, đảng viên hoàn toàn có thể làm đúng theo lời Bác dạy: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

*Đồng chí PHẠM PHƯƠNG THẢO, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM: Cơ sở đánh giá, lựa chọn cán bộ có tâm, có tầm

Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 144 khẳng định sự quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều này yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm tự giác thực hiện nghiêm túc các nội dung nêu trong Quy định 144 và phải thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương.

Tôi cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, ý thức được trách nhiệm nêu gương của mình sẽ tạo niềm tin, sức lan tỏa lớn trong Đảng, trong xã hội.

IMG_3475.jpeg
Đồng chí Phạm Phương Thảo. Ảnh: VĂN MINH

Mỗi cán bộ, đảng viên cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện suốt đời và không ngừng “tự soi tự sửa”. Mỗi một cấp ủy, mỗi một chi bộ đều đưa vào kiểm điểm hàng tháng và có sự nhắc nhở, uốn nắn, xử lý kịp thời. Làm được việc này, tôi nghĩ chúng ta cũng đã đẩy mạnh việc thực hiện Quy định 144.

Trong lúc Đảng ta đang chuẩn bị tiến tới đại hội Đảng các cấp, việc thực hiện Quy định 144 còn là cơ sở để đánh giá, lựa chọn cán bộ vào các cấp ủy. Điều này góp phần làm cho công tác tổ chức, công tác cán bộ được tốt hơn.

Tôi cho rằng, việc đánh giá, chọn lựa cán bộ thế nào để đưa vào các cấp ủy những nhân sự đáng tin cậy, đạt được những yêu cầu nêu ra phải được đặc biệt quan tâm. Người được lựa chọn, được cử vào các cơ quan lãnh đạo thực sự phải có đủ tâm, đủ tầm, đủ uy tín.

Đảng ta đang khuyến khích cán bộ, đảng viên thực hiện “7 dám”. Tôi nghĩ rằng, đa số cán bộ, đảng viên có thể làm được điều này. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay chính sách pháp luật vẫn còn những chồng chéo tạo ra những rủi ro trong thực hiện công vụ của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, phải đặc biệt quan tâm, cụ thể hóa và triển khai thực hiện tốt chủ trương bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

*Đồng chí PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM: Cán bộ, đảng viên luôn luôn tu sửa, rèn luyện bản thân

Tôi cho rằng, Bộ Chính trị ban hành Quy định 144 trong lúc này là rất cần thiết. Bởi lẽ, vấn đề đạo đức là gốc của mọi vấn đề từ công tác cán bộ cho đến đội ngũ công tác cán bộ hiện nay.

Trong thực tế cuộc sống, cán bộ gắn bó với nhân dân, gắn bó với từng tổ chức, cơ sở Đảng, thì vấn đề đạo đức luôn luôn phải được thể hiện từ đầu. Đó là sự tuyệt đối trung thành với lý tưởng, đó là sự bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng thời, vì sự lớn mạnh của từng tổ chức mà mình là cán bộ, là hạt nhân trong tổ chức đó.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê trao đổi với phóng viên báo SGGP. Thực hiện: VĂN MINH

Năm 2025, đất nước ta nói chung và TPHCM nói riêng có nhiều sự kiện trọng đại, tôi cho rằng vấn đề đặt ra quán triệt và học tập tiếp tục thấm nhuần hơn nữa lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xác định vấn đề đạo đức là cái gốc để Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, văn minh.

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức và mỗi người trong mỗi nhiệm vụ đều lấy vấn đề đạo đức là then chốt, luôn luôn lấy đó để tu sửa mình, để rèn luyện mình và vượt qua thách thức, để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ mà đất nước, Đảng và nhân dân giao phó.

"Tôi cho rằng, vấn đề đạo đức ở đây không phải chỉ hiểu là chúng ta thủ lấy mình, giữ cho riêng mình, mà phải thể hiện trách nhiệm với tổ chức, với đất nước, với dân tộc. Đó là sự sáng tạo, dám vượt qua thử thách, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Đồng thời, phải thể hiện tính vươn lên, bắt nhịp được hơi thở cuộc sống và quy luật của thời đại, để làm sao chúng ta không ngừng nâng cao trách nhiệm, làm tốt hơn nữa trọng trách của mình ở mỗi vị trí", Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục