Bộ GD-ĐT cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và đổi mới phương thức dạy - học nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời là xu thế của giáo dục thế giới. Giáo dục địa học (GDĐH) Việt Nam cũng không đi ngược lại xu thế đó, nhất là trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ ở hầu hết các nước trên thế giới.
Đặc biệt, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã gây gián đoạn nghiêm trọng tới công tác tổ chức dạy - học vừa qua cũng đặt hệ thống GDĐH trước thách thức phải nhanh chóng đa dạng hóa hình thức, phương thức tổ chức đào tạo trong các cơ sở đào tạo.
Với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong xu thế thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, đào tạo trực tuyến sẽ là hình thức đào tạo của tương lai. Với người học, sự hỗ trợ của CNTT sẽ xóa nhòa khoảng cách, ranh giới, giúp người học có thể học mọi nơi mọi lúc một cách chủ động.
Với các cơ sở đào tạo, thông tư này sẽ thúc đẩy sự chuyển đổi, ứng dụng công nghệ mới trong đào tạo, đáp ứng nhu cầu hội nhập sâu và rộng với hệ thống GDĐH thế giới. Đó là lý do mà Bộ GD-ĐT cho phép liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến (online) và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Theo quy định của thông tư, hình thức liên kết đào tạo trực tuyến là hình thức đào tạo khi thực hiện chương trình liên kết đào tạo có thời lượng giảng dạy theo phương thức trực tuyến từ 50% trở lên trong tổng thời lượng giảng dạy của chương trình.
Hình thức liên kết đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến (blended) là hình thức đào tạo khi thực hiện chương trình liên kết đào tạo có thời lượng giảng dạy theo phương thức trực tuyến dưới 50% tổng thời lượng giảng dạy của chương trình.
Thông tư cho phép các cơ sở đào tạo thực hiện liên kết đào tạo theo hình thức blended với thời lượng được giảng dạy theo phương thức trực tuyến không qua 30% tổng thời lượng giảng dạy của chương trình đào tạo.
Ở trình độ đại học, cơ sở đào tạo trong và ngoài nước có thể liên kết đào tạo theo hình thức online. Đối với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, hiện tại cơ sở đào tạo được thực hiện liên kết đào tạo theo hình thức blended với thời lượng giảng dạy theo phương thức trực tuyến tối đa 30% tổng thời lượng giảng dạy của chương trình liên kết đào tạo.
Đối với chương trình liên kết đào tạo trình độ đại học, thông tư quy định chương trình đào tạo được triển khai theo hình thức trực tuyến phải ở cùng ngành hoặc ngành gần dự định liên kết đào tạo. Ngành này phải có tối thiểu 1 khóa sinh viên đã tốt nghiệp.
Đối với chương trình liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ hoặc trình độ tiến sĩ, chương trình đào tạo phải cũng ở cùng ngành hoặc ngành gần, cùng trình độ dự định liên kết đào tạo và đều đã có tối thiểu 1 khóa sinh viên tốt nghiệp. Chương trình giảng dạy trực tuyến hoặc kết hợp với trực tiếp phải đạt từ 20% tổng thời lượng giảng dạy của chương trình trở lên.
Trường hợp cấp văn bằng của cơ sở đào tạo nước ngoài, chương trình đào tạo phải bảo đảm thực hiện theo quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo của nước ngoài và phải giữ những nội dung cốt lõi của chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.
Trường hợp cấp văn bằng của cả cơ sở đào tạo nước ngoài và của cơ sở đào tạo Việt Nam, chương trình đào tạo phải bảo đảm thực hiện theo quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo của nước ngoài và của Việt Nam và phải giữ những nội dung cốt lõi của chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo, quyền lợi của người học, thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của các bên liên kết trong việc tổ chức hoạt động liên kết đào tạo. Theo đó, cơ sở đào tạo phải duy trì các bài kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học trong hệ thống quản lý học tập và có thể trích xuất phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra khi được yêu cầu trong thời gian tối thiểu 5 năm kể từ khi tốt nghiệp.
Cơ sở đào tạo sẽ phải bồi hoàn học phí cho người học nếu cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định dẫn đến người học không được cấp bằng hoặc văn bằng được cấp không được công nhận ở nước nơi cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đặt trụ sở chính.
Cơ sở đào tạo phải đảm bảo quyền lợi của người học và người lao động. Trong thỏa thuận hoặc hợp đồng hợp tác giữa các bên liên kết, trong Đề án thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài phải quy định rõ về phương án xử lý rủi ro khi thực hiện chương trình liên kết đào tạo, đặc biệt là trong trường hợp chương trình đào tạo bị gián đoạn hoặc kết thúc trước thời hạn…
Cũng theo Bộ GD-ĐT, để triển khai liên kết đào tạo trực tuyến, do vậy, việc đầu tư hạ tầng CNTT là điều kiện, yêu cầu tiên quyết. Cơ sở đào tạo phải đáp ứng các điều kiện sau mới được thực hiện liên kết đào tạo trực tuyến.