Nghiêm khắc tự soi rọi
TS Hồ Ngọc Đăng, khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM, cho biết, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn chú trọng vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thời gian gần đây, các quy định về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng và thực hiện nêu gương đã được ban hành một cách có hệ thống. Và mới nhất là việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 144, chính là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng, đồng thời là bước cụ thể hóa nhiệm vụ về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Nhìn lại thực tiễn thời gian qua, một bộ phận cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự là điều đáng buồn. Khi phân tích nguyên nhân, một số chuyên gia xây dựng Đảng đánh giá, nguyên nhân gốc rễ là họ không chú ý giữ gìn, đã đánh mất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, khi phân tích “bệnh” sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, TS Hồ Ngọc Đăng nhận định, tình trạng này rất đáng lo ngại, gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức về ý thức, trách nhiệm công vụ.
Chính vì vậy, Quy định 144 ban hành đã nhấn mạnh nội dung “trách nhiệm” là rất cần thiết và góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Đồng thời, còn là tấm gương phản chiếu để mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa” lại chuẩn mực, đạo đức của bản thân. Cán bộ, đảng viên phải nghiêm khắc hơn với bản thân trong tu dưỡng và phấn đấu, biết giữ mình và gương mẫu trong thực thi công vụ để xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Theo kế hoạch, vào ngày 9-7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Chỉ thị 35-CT/TW về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến.
Nêu cao lòng tự trọng
Quy định 144 nhấn mạnh đến tiêu chí danh dự, lòng tự trọng; đồng thời gắn kết chặt chẽ với Quy định 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Như vậy với việc thực hiện các quy định này, cán bộ, đảng viên dù ở vị trí nào cũng đều nhận thức rõ cần từ chức khi không còn đủ khả năng, uy tín.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ nhìn nhận, trước đây chưa cụ thể nhưng đến Quy định 144 đã nêu rõ về thực hiện văn hóa từ chức khi cán bộ, đảng viên không đủ khả năng, uy tín. Đây là bước đột phá trong công tác xây dựng Đảng, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. “Vì vậy, khi triển khai thực hiện Quy định 144, văn hóa từ chức sẽ trở thành hoạt động rất bình thường trong công tác cán bộ”, ông Tạ Văn Hạ kỳ vọng.
TS Hồ Ngọc Đăng đánh giá, Quy định 144 còn là tiêu chuẩn, thước đo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác nhận xét, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên. Đồng thời là cơ sở để cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp xem xét, đánh giá, lựa chọn cán bộ, đảng viên đưa vào quy hoạch, giới thiệu bầu cấp ủy khóa mới. Như vậy, Quy định 144 là cơ sở, tiền đề quan trọng trong việc chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên
Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành văn bản hướng dẫn số 159 về thực hiện Quy định 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Trong đó yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên tự giác học tập, phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, “tự soi, tự sửa” theo tiêu chí các chuẩn mực trong quy định để không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng. Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ đưa việc thực hiện Quy định 144 vào tiêu chí đánh giá của cán bộ, đảng viên hàng năm và coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên.