Phóng viên: Thưa ông, TPHCM có 12 cơ sở cai nghiện ma túy với rất đông học viên (14.000 người) và 16 cơ sở bảo trợ xã hội (với 6.300 người già, người khuyết tật, người tâm thần, trẻ em). Tình hình dịch Covid-19 tại các cơ sở này hiện nay ra sao?
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM LÊ MINH TẤN: Dịch Covid-19 với biến chủng mới Delta đang tác động phức tạp đến các cơ sở. Tính đến ngày 1-8, Cơ sở Bố Lá (cơ sở đầu tiên phát hiện có ca mắc Covid-19) ghi nhận 476 ca mắc; Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy Bình Triệu (quận Bình Thạnh, TPHCM) có 12 ca mắc; Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc (quận 12) ghi nhận 57 ca mắc; Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần (TP Thủ Đức) có 173 ca mắc. Trong các ca mắc, có cả nhân viên các cơ sở và học viên. Đội ngũ y bác sĩ thường xuyên túc trực, kịp thời theo dõi sức khỏe, chăm sóc, điều trị cho các học viên và nhân viên. Sức khỏe các ca mắc Covid-19 đều ổn định.
Sở LĐTB-XH TPHCM đã triển khai các biện pháp gì để dập dịch tại 4 cơ sở nói trên và tránh lan ra các cơ sở khác?
Hiện nay, cơ quan y tế đang điều tra dịch tễ để xác định nguồn lây tại 4 cơ sở có dịch. Sở đã thành lập tổ công tác phối hợp với ngành y tế để thực hiện truy vết và phong tỏa 4 cơ sở trên; đề xuất thành lập khu cách ly tập trung F0 tại 4 cơ sở. Tiêu chuẩn bữa ăn của học viên đã được nâng lên là 80.000 đồng/người/ngày và bổ sung thêm vitamin… giúp học viên cải thiện sức khỏe, tăng sức đề kháng để sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Xét về tính chất, các cơ sở đều khá biệt lập. Nếu chặn được nguồn lây từ bên ngoài thì ở bên trong, tình hình của các cơ sở sẽ ổn định. Vì thế, các cơ sở giờ đây đều thiết lập chế độ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Các cơ sở triệt để giãn cách, nhất là bảo đảm giãn cách giữa người với người, phòng - khu - khoa - trạm với phòng - khu - khoa - trạm, đơn vị với đơn vị. Các cơ sở tạm dừng tất cả các hoạt động dạy văn hóa, dạy nghề, lao động trị liệu nhằm đảm bảo giãn cách.
Cơ sở thiết lập chế độ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, vậy thì việc tiếp nhận người nghiện ma túy sẽ như thế nào?
Các cơ sở cai nghiện ma túy tạm dừng tiếp nhận học viên mới, dừng tiếp nhận người đến cai nghiện tự nguyện. Trường hợp phải tiếp nhận mới thì chỉ tiếp nhận người có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 (giá trị trong vòng 72 giờ), bố trí nơi cách ly theo quy định 21 ngày. Cơ sở Cai nghiện ma túy Bình Triệu tạm dừng việc cho uống Methadone đối với 252 người.
Với người chấp hành quyết định của tòa án đi cai nghiện bắt buộc có thời hạn, nếu hoàn thành thời gian cai nghiện, họ sẽ được về?
Bây giờ nhiều tỉnh, thành giãn cách xã hội, xe cộ đi lại cũng không thuận tiện. Học viên về nhà thì cũng ở nhà thực hiện giãn cách. Trong tình cảnh như vậy, chúng tôi vận động học viên đã hoàn thành thời gian cai nghiện tạm thời ở lại cơ sở để được chăm sóc sức khỏe, chăm lo đời sống. Các học viên cũng thấu hiểu và đồng thuận đề nghị này.
TPHCM yêu cầu chỉ duy trì tối đa không quá 1/3 công chức, viên chức làm việc tại trụ sở cơ quan, đơn vị. Việc này được thực hiện ra sao tại các cơ sở?
Các cơ sở có khoảng 2.700 viên chức, người lao động; trong đó 70% là lao động trực tiếp và 30% lao động gián tiếp. Các cơ sở quản lý, chăm sóc học viên đều có tính chất là đơn vị đặc thù - chăm sóc nhiều học viên - nên vẫn phải duy trì 100% người lao động trực tiếp làm việc tại đơn vị. Nhân viên thực hiện giãn cách và nhất là khi hết giờ làm việc thì về phòng nghỉ, không tiếp xúc với người xung quanh. Tất cả đều không về nhà để hạn chế lây nhiễm dịch Covid-19 từ cộng đồng vào cơ sở.
Sở LĐTB-XH TPHCM đề xuất TPHCM tiêm vaccine cho 14.000 học viên cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện; hơn 6.300 người thuộc diện bảo trợ xã hội (người già, trẻ em, khuyết tật…) đang chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ; hơn 142.000 người bảo trợ đang sống trên địa bàn TP Thủ Đức và 21 quận, huyện. |