Bộ máy tổ chức gồm 1 ban và ít nhất 3 tổ
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu tổ chức bộ máy của cơ sở cách ly người F0 trên địa bàn quận huyện, TP Thủ Đức. Ban hành Quyết định thành lập cơ sở cách ly người F0 (sau đây viết tắt là cơ sở cách ly) theo thẩm quyền.
Cơ cấu bộ máy của cơ sở cách ly: 1 Ban quản lý và ít nhất 3 Tổ gồm: tổ chuyên môn, tổ hậu cần - phục vụ, tổ an ninh trật tự. Căn cứ tình hình thực tế có thể thành lập thêm các tổ để đáp ứng nhu cầu hoạt động của cơ sở cách ly. Căn cứ vào nhiệm vụ của cơ sở cách ly, xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động của cơ sở cách ly trình ban chỉ đạo quận huyện phê duyệt.
Thành lập Tổ phản ứng nhanh với thành phần bao gồm: bác sĩ, điều dưỡng, công an... để kịp thời hỗ trợ xử lý các tình huống khẩn cấp. Trung tâm Y tế và Bệnh viện quận huyện, TP Thủ Đức phối hợp tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận huyện, TP Thủ Đức tổ chức và quản lý hoạt động cơ sở cách ly.
Tùy tình hình, điều kiện thực tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận huyện, TP Thủ Đức giao Trung tâm Y tế hoặc bệnh viện quận huyện, TP Thủ Đức chịu trách nhiệm chính cho hoạt động chuyên môn của cơ sở cách ly; giao Phòng Y tế chịu trách nhiệm huy động nguồn nhân lực y tế tư nhân và nhân viên y tế đã nghỉ hưu trên địa bàn tham gia hoạt động của cơ sở cách ly; giao Phòng Tài chính Kế hoạch chịu trách nhiệm tham mưu công tác tài chính của các hoạt động ở cơ sở cách ly và Phòng TN-MT tham mưu công tác xử lý thu gom rác thải tại các cơ sở cách ly và các phòng, cơ quan, ban ngành khác tham mưu theo chức năng nhiệm vụ được phân công.
Nhân sự phải được đảm bảo
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thành lập Ban quản lý cơ sở cách ly, trong đó nhân sự Ban quản lý cơ sở cách ly do Phó Chủ tịch UBND quận huyện, TP Thủ Đức làm trưởng ban, các phó ban bao gồm: đại diện lãnh đạo Phòng Y tế, đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế, đại diện Ban Giám đốc Bệnh viện quận huyện và đại diện tổ công tác đặc biệt hỗ trợ phòng chống dịch tại các quận huyện và TP Thủ Đức.
Trường hợp trên địa bàn quận huyện và TP Thủ Đức có nhiều cơ sở cách ly khác nhau, tuỳ thuộc vào quy mô của mỗi cơ sở mà UBND quận huyện và TP Thủ Đức có thể thành lập các cơ sở cách ly với Ban quản lý riêng biệt (nếu quy mô lớn trên 500 giường) hoặc nhiều cơ sở cách ly tập trung trực thuộc một Ban quản lý chung, có phân công người phụ trách cho từng cơ sở (nếu quy mô nhỏ, dưới 500 giường).
Nhân sự của Tổ chuyên môn bao gồm các bác sĩ, điều dưỡng với số lượng phù hợp với quy mô của cơ sở cách ly tập trung từ nguồn nhân lực y tế của các Bệnh viện quận huyện, Trung tâm Y tế và nguồn nhân lực tăng cường do Sở Y tế điều động. Khuyến khích vận động nguồn lực y tế tư nhân và các bác sĩ nghỉ hưu có sức khỏe tốt trên địa bàn tham gia.
Dự kiến 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng chăm sóc theo dõi cho mỗi 50 - 100 trường hợp F0. Về loại hình nhân viên với chức năng theo dõi, chăm sóc ban đầu và phát hiện kịp thời các dấu hiệu nặng, loại hình nhân viên y tế tại các cơ sở cách ly người F0 cần có các bác sĩ đa khoa hoặc các bác sĩ chuyên khoa đã được tập huấn về chẩn đoán và điều trị Covid-19, điều dưỡng trình độ trung cấp trở lên.
Trước mắt, huy động nguồn nhân lực y tế hiện đang công tác tại các đơn vị y tế tuyến quận huyện và các cơ sở y tế tư nhân, nhân viên y tế đã nghỉ hưu hiện đang cư ngụ trên địa bàn. Khi tiếp nhận nguồn nhân lực y tế tăng cường cho thành phố từ Bộ Y tế, Sở Y tế sẽ ưu tiên phân bổ về các cơ sở cách ly trên địa bàn quận huyện, TP Thủ Đức.
Nhân sự của Tổ hậu cần - phục vụ đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận huyện, TP Thủ Đức huy động từ nguồn nhân lực sẵn có của địa phương, bao gồm các cán bộ chiến sĩ thuộc Ban chỉ huy quân sự quận huyện, TP Thủ Đức, các cơ quan đoàn thể, đoàn thanh niên.
Nhân sự Tổ an ninh trật tự huy động từ nguồn nhân lực sẵn có của địa phương, bao gồm các cán bộ chiến sĩ thuộc Ban chỉ huy quân sự quận huyện, TP Thủ Đức, công an địa phương. Do thành viên Ban chỉ huy công an phường, xã hoặc thành viên các phường, xã đội làm Tổ trưởng.
Đảm bảo cơ số thuốc, trang thiết bị y tế
Cơ sở cách ly có chức năng theo dõi chăm sóc sức khoẻ các trường hợp F0 không có triệu chứng và xử lý ban đầu các trường hợp F0 có triệu chứng trước khi chuyển tới các bệnh viện điều trị Covid-19.
Cơ sở cách ly phải có tủ thuốc, tủ thuốc được trang bị đầy đủ các thuốc theo danh mục phân tầng 1 để đảm bảo cho nhu cầu chăm sóc, điều trị. Trong giai đoạn đầu đi vào hoạt động, các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn chịu trách nhiệm tạm ứng thuốc cho các cơ sở cách ly. Việc mua sắm thuốc phục vụ công tác điều trị người bệnh Covid-19 được áp dụng quy định về mua sắm của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Các cơ sở cách ly cần ít nhất từ 5-10 bình oxy để có thể cho nhiều người bệnh cùng thở một lúc trong khi chờ chuyển người bệnh đến bệnh viện. Trong giai đoạn đầu đi vào hoạt động, các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn chịu trách nhiệm hỗ trợ các bình oxy cho các cơ sở cách ly.
Nhân viên y tế thuộc Tổ chuyên môn chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe, chăm sóc người bệnh hàng ngày. Mỗi người bệnh phải được nhập thông tin vào phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19”, phải có hồ sơ theo dõi sức khỏe.
Khi phát hiện người bệnh có dấu hiệu trở nặng như khó thở, SpO2 < 93% thì gọi 115 để Trung tâm Cấp cứu 115 TP điều phối xe vận chuyển người bệnh đến các bệnh viện điều trị Covid-19 hoặc đến bệnh viện gần nhất (bệnh viện quận, huyện trên cùng địa bàn) để cấp cứu kịp thời (trong trường hợp nguy kịch). Trường hợp chưa liên hệ được Trung tâm Cấp cứu 115 TP thì sử dụng xe cứu thương của cơ sở cách ly để vận chuyển người bệnh.
Khi có nhu cầu chuyển người bệnh có triệu chứng đến các bệnh viện điều trị Covid-19, gọi 115 để được Trung tâm Cấp cứu 115 TP điều phối chuyển viện. Trong thời gian chờ chuyển người bệnh có triệu chứng đến các bệnh viện điều trị Covid-19, phải dùng thuốc kháng viêm, kháng đông dự phòng theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Khi gặp những tình huống khẩn cấp (người bệnh đột ngột ngưng tim, ngưng thở, bỏ trốn,...) kích hoạt ngay Tổ phản ứng nhanh để kịp thời hỗ trợ xử lý.
Tiêu chuẩn kết thúc thời gian cách ly tập trung Đối với các trường hợp F0 không có triệu chứng lâm sàng, thời gian cách ly tập trung là 7 ngày nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 7 là âm tính hoặc dương tính với giá trị CT > 30. Trường hợp dương tính với giá trị CT <30, tiến hành thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 mỗi 2 ngày sau đó cho đến khi kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính thì cho phép người bệnh tiếp tục cách ly theo dõi tại nhà theo quy định. Đối với các trường hợp F0 mới phát hiện và không có triệu chứng lâm sàng: xem xét cách ly tại nhà nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR có giá trị CT> 30 và hội đủ các điều kiện theo quy định. UBND quận huyện hoặc phường, xã, thị trấn ban hành quyết định kết thúc thời gian giám sát y tế theo quy định. Trung tâm Y tế chịu trách nhiệm tiếp tục quản lý, theo dõi đối với các trường hợp được giám sát y tế tại nhà. |
Chi phí bữa ăn người cách ly: 80.000 đồng/người/ngày. Chi phí sinh hoạt (nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng,...): 40.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, cơ sở cách ly cần trang bị thêm các vật dụng cần thiết cho người cách ly như: nước nóng, giường, mùng, mền, gối, wifi... để tạo sự an tâm và thoải mái cho người cách ly. Riêng nhân viên của cơ sở cách ly được hưởng tiền ăn với định mức 120.000 đồng/người/ngày và chế độ phụ cấp chống dịch theo quy định. Tất cả chi phí hoạt động của cơ sở cách ly do nguồn kinh phí phòng chống dịch của quận huyện, TP Thủ Đức chi trả theo quy định. |