Góp ý tại hội thảo, Th.S Lê Nhật Bảo, giảng viên Trường Đại học Luật TPHCM, cho rằng, dự thảo lần này đã tiếp thu rất nhiều điểm tiến bộ, tích cực mà nhân dân góp ý. Song, liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai vẫn còn một vài điều cần bàn.
Cụ thể, khái niệm “tranh chấp đất đai” trong dự thảo chưa thật sự hợp lý ở nội dung “tranh chấp về nghĩa vụ của người sử dụng đất”. Bởi thông thường mọi người chỉ tranh chấp quyền, lợi ích hợp pháp chứ không ai tranh chấp việc thực hiện nghĩa vụ. Do vậy, cần sửa lại quy định này theo hướng tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền của người sử dụng đất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND phường 8 (quận 10), nhìn nhận, đối với việc giải quyết tranh chấp đất đai thì Luật Đất đai năm 1993 quy định giao cho UBND các cấp; đến Luật Đất đai năm 2013 thì mở rộng thêm cơ quan giải quyết là tòa án. Bây giờ, theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì toàn bộ thẩm quyền giải quyết là tòa án.
Ông Thành băn khoăn tranh chấp đất đai là vấn đề phức tạp và năng lực của tòa án hiện nay có giải quyết được hết hay không? Theo ông Thành, cơ chế linh hoạt hiện nay là người dân có quyền lựa chọn UBND các cấp hoặc tòa án, nếu không có giấy tờ nhà đất. Khi người dân nộp đơn lên UBND các cấp thì hòa giải, giải quyết tranh chấp kịp thời, nhanh chóng. Bởi vì nguồn gốc đất, quá trình sử dụng hết sức phức tạp thì chỉ có cơ quan hành chính mới theo dõi được.
Từ đó, ông Thành đề xuất giữ nguyên quy định hiện nay để người dân lựa chọn phương án hành chính hoặc tố tụng; vì tòa án xử lý theo trình tự nghiêm ngặt, người dân lại tốn án phí, trong lúc đó giải quyết vụ việc tại cơ quan hành chính hết sức linh động, kịp thời.