Xảy ra nơi tư, lại khởi tố nơi… công cộng!
Anh Nguyễn Thanh Bình (chủ quán karaoke ở quận 7) vừa nhận quyết định của Cơ quan điều tra Công an quận 7 khởi tố anh về tội “Gây rối trật tự công cộng” mà chưng hửng! Vì chính anh là nạn nhân, bị khách say xỉn đánh trong quán của mình, không hiểu sao tự dưng lại anh bị khởi tố về tội… gây rối trật tự công cộng?!
Vụ việc xảy ra từ tháng 1-2017. Nhóm Cao Hữu Ri đến quán karaoke của anh Bình hát rồi một người trong số đó đi vệ sinh và có va chạm chị gái của Bình. Sau đó Bình và Ri có lời qua tiếng lại dẫn đến đánh nhau. Có người vào báo, cả nhóm bạn Ri rời phòng karaoke, cầm vỏ chai bia rượt đuổi đánh anh Bình. “Thấy anh Bình (chủ quán), một mình bị nhóm thanh niên nhóm của Ri đuổi đánh nên Lộc (nhân viên quán) chụp thanh sắt chữ T dùng để lau nhà đánh giải vây cho Bình” (theo nội dung Cáo trạng của VKS). Nhưng Lộc bị nhóm Ri khống chế, lấy được thanh sắt và tiếp tục đuổi đánh Bình. Bình chạy ra sau vơ được cái xẻng định chống trả thì bị nhóm Ri tước đoạt, rồi tấn công anh dữ dội.
Tại kết luật điều tra số 135/KLĐT-HS của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 7 ngày 19-9-2017 ghi chi tiết: “Ri cầm thanh sắt hình chữ T đánh thẳng từ trên xuống đầu Bình, Thuận cầm bình chữa cháy ném trúng hông Bình, Uyên đập bể bức tượng sứ ném về phía Bình. Bình bị đánh vào đầu bị đau nên chạy ra sân thì tiếp tục bị đánh từ phía sau gáy nên vấp ngã. Thấy vậy, Toàn cầm chai bia ném thẳng vào vai Bình, Bình tiếp tục chạy và vấp ngã, Toàn tiếp tục chạy lại dùng chân đá 2 cái vào mặt Bình, Uyên giơ xẻng lên đánh Bình tiếp thì bị nhân viên giữ xe chụp lại được. Uyên tiếp tục đạp 2 cái vào hông Bình”.
Kết luận giám định pháp y cho thấy, Bình bị đánh chấn thương lõm sọ, khuyết sọ, cố tật ở mặt với tỷ lệ thương tật 46%. Trong đó, vết thương chính ở đầu được xác định do Ri gây ra nên Công an quận 7 đã khởi tố Cao Hữu Ri về tội “Cố ý gây thương tích”. Bình cũng yêu cầu Ri bồi thường viện phí 200 triệu đồng. Kết luận điều tra nhận định: Uyên, Toàn, Thuận, Lộc, Quyền có tham gia đánh nhau, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên chuyển công an phường xử lý hành chính.
Về bồi thường, mẹ Ri đến nhà Bình năn nỉ vì gia đình quá nghèo, Bình thương nên đồng ý làm đơn bãi nại, không đòi bồi thường thiệt hại. Tưởng mọi việc đã xong, không ngờ một năm rưỡi sau công an lại ra quyết định khởi tố Bình và 7 người nữa (2 nhân viên quán và 5 người nhóm của Ri mà trong số đó có những người đã bị xử phạt hành chính) về tội: gây rối trật tự công cộng!
Thẩm phán không nắm luật, công an - Viện kiểm sát làm theo… lập trình!
Cầm quyết định bị khởi tố hình sự mà anh Bình không tin ở mắt mình. Vừa thoát cơn thập tử nhất sinh, giờ gặp chuyện trớ trêu này, anh bủn rủn nói: “Bao năm gầy dựng, chắc giờ phải bán quán!”. Ai cũng bàn tán, cho rằng có sự nhầm lẫn, vì anh chỉ có một mình, bị cả nhóm vây đánh và nơi xảy ra trên đất thuộc sở hữu tư nhân, tại sao lại khởi tố về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Thế nhưng, chuyện đó là thật!
Khi hồ sơ truy tố Ri về tội cố ý gây thương tích cho Bình được chuyển đến Tòa án Nhân dân quận 7. Bỗng dưng thẩm phán TAND quận 7 Mai Trần Cảnh ra quyết định số 02/2018/HSST-QĐ trả hồ sơ cho Viện kiểm sát (VKS) yêu cầu điều tra bổ sung, với lập luận: Bình có tỷ lệ thương tật 46%, Ri có tỷ lệ thương tật 22%, Uyên có tỷ lệ thương tật 2% nên các đối tượng tham gia gây thương tích đã thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng có tổng tỷ lệ thương tật từ 41% trở lên, vì vậy cần điều tra làm rõ để xử lý về tội gây rối trật tự công cộng!
Thế là, không cần xem xét ý kiến của thẩm phán đúng hay không, cứ thế, VKS trả hồ sơ cho cơ quan điều tra yêu cầu điều tra bổ sung. Do vậy, bên cạnh việc khởi tố Ri về tội “Cố ý gây thương tích” (vì đã gây thương tật 46% cho Bình) thì cơ quan điều tra khởi tố tất cả những người còn lại (luôn cả bị hại) về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo yêu cầu của tòa!
Mặc dù, trong số những người nhóm Ri đã bị phường xử phạt hành chính rồi vẫn bị khởi tố tiếp, điều này vi phạm nguyên tắc một hành vi vi phạm không bị xử phạt 2 lần! Còn hồ sơ vụ việc, ngay từ đầu công an cũng không điều tra được ai gây ra 22% thương tật cho Ri và 2% thương tật cho Uyên.
Trong hồ sơ điều tra bổ sung cũng không có gì mới, vẫn giống như kết luận điều tra ban đầu, nhưng vì tòa muốn “xử” nên công an và VKS cứ thế buộc tội – hô biến nạn nhân thành tội phạm!
Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra Trần Văn Sơn bắt đầu ký quyết định khởi tố các bị can và Phó Viện trưởng VKSND quận 7 Nguyễn Thị Xuân Trang cứ thế phê chuẩn! Trong khi lẽ ra, VKS phải là cơ quan “gác cửa” tố tụng, phải kiểm soát việc khởi tố đó có căn cứ pháp lý hay không, đằng này lại cứ ký… theo lập trình!
Đã hiểu sai, còn áp dụng luật cũ…
Xem tất cả hồ sơ với khoảng 700 trang bút lục, một điều tra viên của Bộ Công an thốt lên, việc truy tố đã mắc sai lầm một cách nghiêm trọng, bởi xét về mặt khách quan của tội phạm thì “gây rối trật tự công cộng” phải diễn ra ở nơi công cộng như công viên, bến xe, bến tàu… Đã vậy, cơ quan tố tụng còn vận dụng luật đã hết hiệu lực để khởi tố, vì luật mới đã bỏ “hậu quả nghiêm trọng” rồi.
Về tố tụng, Nghị quyết 109/2015/QH13 thi hành Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 ghi rõ, luật này áp dụng kể từ ngày 1-7-2016, trong đó đã bỏ quy định “gây hậu quả nghiêm trọng - tổng tỷ lệ thương tật trên 41%”. Nghị quyết 144/2016/NQ-QH13 về lùi thời hạn thi hành BLHS ghi rõ “kể từ 1-7-2016 áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội theo Nghị quyết 109”. Sau đó, Nghị quyết 41/2017/QH14 điều chỉnh hiệu lực thi hành BLHS 2015 cũng ghi rõ, những quy định có lợi cho người phạm tội được áp dụng cho cả hành vi phạm tội xảy ra trước 1-1-2018. Cụ thể hoá việc áp dụng các nghị quyết này, ngay đầu năm 2018, TAND Tối cao ký Văn bản số 04/TANDTC-PC gởi các tòa hướng dẫn rõ “các điều khoản của BLHS 2015 đã thay đổi, mà có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1-1-2018”.
“Hiểu” sai luật đã đành, lẽ nào thẩm phán Mai Trần Cảnh không “biết” những nghị quyết thi hành luật của Quốc hội, không “đọc” cả văn bản hướng dẫn của toà tối cao, để rồi tháng 2-2018 vẫn chỉ đạo khởi tố dựa trên luật đã hết hiệu lực?! Yếu tố “hậu quả nghiêm trọng” đã được bỏ từ năm 2015, đến 3 năm sau với hàng hoạt văn bản hướng dẫn, nhưng chỉ đạo sai ấy vẫn “lọt” qua 3 cơ quan tố tụng, cả Công an, Viện Kiểm sát (cơ quan được giao kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động tư pháp), để rồi tất cả cùng ký hàng loạt quyết định khởi tố sai cả về nội dung, hình thức luật như thế?!
Điều đó khiến dư luận băn khoăn về trình độ của những cán bộ có quyền “cầm cân nảy mực”, có quyền quyết định sinh mạng chính trị của người dân, mà không nắm luật, đã đẩy thanh niên mới khởi nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, có thể phải vào tù…
Luật sư Trần Hải Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Á Châu: Các cơ quan tố tụng quận 7 đã sai những điều rất cơ bản
Chưa nói đến nội dung hồ sơ, chỉ cần nhìn qua cách áp dụng luật đã thấy có quá nhiều sai sót.
Thứ nhất, việc khởi tố người chưa từng có tiền án, tiền sự về tội gây rối trật tự công cộng sau ngày 1-7-2016 là sai. Vì sau ngày này, Bộ luật Hình sự 2015 đã có hiệu lực, thì không áp dụng luật cũ (2009) mà bất hợi cho người phạm tội. Điều 1 Nghị quyết 109 của Quốc hội quy định rõ, kể từ 1-7-2016 phải áp dụng BLHS 2015 và các Nghị quyết sau đó vẫn giữ nguyên theo hướng áp dụng có lợi cho người phạm tội. Trong khi vụ việc này xảy ra vào tháng 1-2017, đến tháng 4-2018 mới khởi tố thì phải áp dụng Điều 318 BLHS năm 2015, và với điều luật mới này thì “hậu quả nghiêm trọng” đã bị loại bỏ.
Thứ hai, ngay việc hiểu theo luật cũ cũng không đúng. Không thể lấy thương tích 46% của Bình để khởi tố chính Bình vì đã gây ra hậu quả thương tật trên 41% cho mình, rồi truy tố Bình về tội cố ý gây rối trật tự công cộng. Vì 46% thương tích đó, Bình đã được xác nhận là “nạn nhân” của vụ “Cố ý gây thương tích” (do Ri gây ra) rồi. Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP của TAND Tối cao cũng hướng dẫn, “hậu quả” của tội gây rối trật tự công cộng là xảy ra đối với “người khác”. Ví dụ như do gây rối trật tự công cộng dẫn đến hậu quả gây tắc nghẽn giao thông trên 2 giờ, hoặc khiến xe khác lạc tay lái đâm vào cột đèn gây thương tích với tổng tỷ lệ thương tật trên 41%...
Và điều quan trọng cuối cùng là cơ sở tội phạm: tội gây rối trật tự công cộng chỉ xử lý đối với hành vi xảy ra ở nơi công cộng (bến xe, công viên, đường xá…) còn đây là quán, là sở hữu tư nhân của ông Bình thì không thể xác định là nơi công cộng được.
Rõ ràng, các cơ quan tư pháp quận 7 đã cố ý khởi tố, truy tố người vô tội.